Về dự thảo nghị quyết một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do tác động của dịch Covid, trong họp báo thường kỳ của Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chia sẻ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư sắp trình Chính phủ xem xét cho phép ban hành nghị quyết. Đây là nghị quyết thực chất tiếp nối Nghị quyết 42 hồi tháng 3.
Tuy nhiên, Nghị quyết 42 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực an sinh và có một số giải pháp tiếp nối Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các chính sách tiền tệ, tài khóa và một số chính sách hỗ trợ khác.
Do đó, đối với các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì cần phải có những giải pháp đồng bộ hơn, mạnh hơn. Vì thế mà ngay sau Hội nghị trực tuyến với địa phương mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành đã phối hợp rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về các giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Các giải pháp tại dự thảo Nghị quyết này rộng hơn, tiếp nối những giải pháp trước đây đã ban hành và mở rộng hơn quy mô, đối tượng, phạm vi. Trong dự thảo Nghị quyết này có nội dung rất quan trọng liên quan đến đầu tư công. Đó là giải pháp làm sao thúc đẩy, giải ngân nhanh số lượng lớn vốn đầu tư công năm 2020.
Do đây là những giải pháp mang tính cơ chế và chính sách nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa tính xem tạo ra được bao nhiêu tiền nhưng cơ bản đây là những giải pháp mạnh tiếp theo các giải pháp của Chỉ thị 14 và Nghị quyết 42.
Thực tiễn vừa qua cho thấy các chính sách của hai văn bản trên cũng đã tạo ra số tiền rất lớn, bao gồm tiền mang tính chất chính sách về tài khóa, tiền tệ và có cả giá trị tiền của ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho nền kinh tế thông qua các chính sách an sinh xã hội. Bởi thế, kỳ vọng vào gói hỗ trợ mới để vực dậy nền kinh tế của dư luận hoàn toàn dễ hiểu và rất đáng được trông đợi.