Giao dịch bảo đảm bằng động sản liên tục tăng 150-170%
Có thể liệt kê một số tài sản thuộc dạng trên như nhà kính, nhà lưới, nhà điều hành, xưởng sản xuất… thuộc dự án nông nghiệp công nghệ cao hoặc tài sản có giá trị lớn như cây bonsai trị giá hàng vài tỷ. Đối với các tài sản là nhà kính, nhà lưới, nhà điều hành, xưởng sản xuất theo quy định pháp luật về xây dựng quy định thì được coi là công trình xây dựng nhưng pháp luật đất đai chưa quy định chứng nhận quyền sở hữu đối với các loại tài sản này.
Do đó, để sử dụng khối tài sản này với tư cách là tài sản bảo đảm để tiếp cận vốn vay, cả người đi vay và bên cho vay đều gặp khó khăn vì có khoảng trống của pháp luật về cơ chế đăng ký, về việc xác định thẩm quyền đăng ký thế chấp (Văn phòng đăng ký đất đai đăng ký đối với bất động sản hay Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Bộ Tư pháp đăng ký đối với động sản).
Bên cạnh đó, đối với những khối tài sản có giá trị kinh tế lớn, người dân có nhu cầu được đăng ký để công khai hóa quyền sở hữu, bảo vệ sự an toàn của chủ sở hữu và sự an toàn của chính các giao dịch liên quan đến khối tài sản này thì pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định rõ ràng cho việc thực hiện đăng ký quyền sở hữu này.
Trong khi đó, việc sử dụng động sản, tài sản vô hình làm tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã trở nên ngày càng phổ biến trong lĩnh vực vay vốn ngân hàng, thể hiện qua số lượng các giao dịch bảo đảm bằng động sản được đăng ký tăng liên tục qua nhiều năm với tỷ lệ cao (150%-170%). Tài sản vô hình là nguồn tài sản chủ yếu, có giá trị rất lớn trong nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp (thường chiếm tới 70 - 80% giá trị doanh nghiệp), nhu cầu vốn hóa khối tài sản vô hình này thành nguồn vốn cho đầu tư, sản xuất kinh doanh là một nhu cầu khách quan trên thực tiễn. Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng bởi không được chấp nhận bảo đảm tiền vay bằng động sản do thiếu cơ chế ghi nhận, bảo vệ và thực hiện quyền tài sản đối với động sản trong thực tế.
Cần cơ chế đăng ký “mở”
Do vậy, nếu không có cơ chế đăng ký “mở, linh hoạt” để ghi nhận các quyền tài sản là động sản có giá trị lớn nêu trên thì nguy cơ đóng băng, lãng phí, không thể chuyển hóa các giá trị tài sản trên thành vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh là rất lớn. Từ đó, có thể thấy việc bổ sung cơ chế đăng ký quyền sở hữu và các quyền khác liên quan đến tài sản là động sản có giá trị kinh tế lớn mà pháp luật hiện nay chưa có quy định về đăng ký quyền sở hữu là cần thiết
Nhằm hoàn thiện vấn đề này, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu cân nhắc phương án xây dựng Luật Đăng ký tài sản. Đây là phương án sẽ khắc phục tối đa, triệt để nhất những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật về đăng ký hiện hành; điều chỉnh tổng thể, toàn diện các quy định cốt lõi nhất của hoạt động đăng ký tài sản nói chung, đăng ký bất động sản, động sản và đăng ký các quyền đối với tài sản nói riêng.
Riêng về đăng ký động sản, dự kiến quy định các nội dung gồm đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; giá trị pháp lý của việc đăng ký tài sản, cơ quan đăng ký tài sản… Cụ thể, về giá trị pháp lý của việc đăng ký tài sản (thuộc trường hợp đăng ký theo yêu cầu), sẽ quy định đăng ký tài sản theo nguyên tắc đối kháng với người thứ ba. Trong trường hợp này, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng cũng đồng thời là thời điểm chuyển quyền sở hữu được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 161 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Còn đối với cơ quan đăng ký tài sản là động sản, cân nhắc phương án giao thẩm quyền cho Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Bộ Tư pháp xuất phát từ lý do pháp luật hiện hành chưa có quy định cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký đối với loại tài sản này. Ngoài ra, Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản hiện nay đang thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản.