Dự thảo nêu rõ tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ đối với chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT như sau: Đã được bổ nhiệm giữ ngạch từ Kiểm soát viên chính thị trường trở lên hoặc ngạch công chức tương đương; có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách theo chủ trương, đường lối của Đảng; có năng lực quản lý, tổ chức thực hiện tốt chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác QLTT; có năng lực hoạch định chính sách và chỉ đạo xây dựng chiến lược, cơ chế, chính sách trong công tác quản lý thị trường; có năng lực tập hợp, đoàn kết nội bộ và tổ chức phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; có thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực chuyên môn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục hoặc lĩnh vực liên quan từ 05 năm trở lên.
Tiêu chuẩn về đào tạo, bồi dưỡng đối với chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT: Tốt nghiệp chương trình quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; tốt nghiệp chương trình lý luận chính trị cao cấp; đạt tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên; có trình độ ngoại ngữ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam trở lên (theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Bên cạnh đó, chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung như Trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân; nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định đường lối đổi mới, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội… Dự thảo cũng quy định cụ thể về các loại hình đào tạo, bồi dưỡng của công chức QLTT.