Về số lượng Phó Trưởng phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, Bộ đề xuất 2 phương án. Phương án 1, đối với phòng thuộc UBND cấp huyện thuộc TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, phòng có từ 7 – 9 biên chế được bố trí 1 Phó Trưởng phòng; phòng có từ 10 – 14 biên chế được bố trí không quá 2 Phó Trưởng phòng; phòng có từ 15 biên chế trở lên được bố trí không quá 3 Phó Trưởng phòng. Đối với phòng thuộc UBND cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại, phòng có từ 5 – 7 biên chế được bố trí 1 Phó Trưởng phòng; phòng có từ 8 biên chế trở lên được bố trí không quá 2 Phó Trưởng phòng.
Theo phương án 2, quy định thống nhất mỗi phòng bình quân có không quá 2 Phó Trưởng phòng. Căn cứ vào số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số Phó Trưởng phòng, UBND cấp huyện quyết định cụ thể về số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng về chuyên môn cho phù hợp. Trong 2 phương án nêu trên, Bộ Nội vụ đề xuất chọn phương án 1.
Căn cứ vào phân nhóm phòng chuyên môn và thẩm quyền quyết định thành lập phòng chuyên môn, Bộ Nội vụ cũng đề xuất 2 phương án về khung số lượng phòng chuyên môn như sau: Phương án 1, quy định tổng số lượng phòng chuyên môn sau khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập, thí điểm hợp nhất bảo đảm không vượt quá số lượng phòng chuyên môn hiện có và khung số lượng phòng chuyên môn của từng địa phương theo phân loại đơn vị hành chính cấp huyện như sau: Đối với đơn vị hành chính loại I (217 đơn vị) không quá 12 phòng; đối với đơn vị hành chính loại II (352 đơn vị) không quá 11 phòng; đối với đơn vị hành chính loại III (134 đơn vị) và huyện đảo, không quá 10 phòng.
Phương án 2, quy định tổng số lượng phòng chuyên môn sau khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập, giữ ổn định hoặc thí điểm hợp nhất bảo đảm không vượt quá số lượng phòng chuyên môn hiện có tại thời điểm tổ chức thực hiện Nghị định. Trong 2 phương án nêu trên, Bộ Nội vụ đề xuất chọn phương án 1.