Theo quy định tại Nghị định số 37/2014/NĐ-CP, số lượng Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện không quá 03 người. Tuy nhiên, số lượng cấp phó này theo Bộ Nội vụ chưa phù hợp với quy mô của tổ chức và số biên chế công chức của phòng, gây mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo quản lý với số lượng người làm công tác tham mưu. Do đó, cần quy định cụ thể để đáp ứng với yêu cầu của Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.
Vì lý do này, Dự thảo Nghị định thay thế quy định: số lượng cấp phó phòng của cơ quan chuyên môn cấp huyện là không quá 02 người thay cho trước đây là 03 người để phù hợp với quy mô của tổ chức và số lượng biên chế công chức được giao. Quy định riêng đối với đô thị loại đặc biệt là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không quá 03 người. Quy định rõ đối với các phòng có từ 05 đến 07 biên chế thì chỉ được bổ nhiệm 01 Phó trưởng phòng.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đề nghị cân nhắc, có quy định phù hợp về số lượng Phó trưởng phòng đối với các phòng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực (chịu sự quản lý về chuyên môn từ 02 phòng trở lên) và số lượng biên chế của phòng lớn thì cần bố trí số lượng cấp phó nhiều hơn 02 người để bảo đảm chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Cũng có ý kiến cho rằng không nên quy định cứng nhắc số lượng cấp phó cho các địa phương mà cần có sự linh hoạt đối với các phòng lớn như quan điểm của Bộ Tư pháp. Nhưng cũng có ý kiến nêu quan điểm, ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì không nên có “ngoại lệ” và trong bối cảnh tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm thống nhất với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 11 24/2014/NĐ-CP về số lượng cấp Sở không quá 03 Phó; cấp huyện không quá 02 Phó.
Riêng đối với đô thị loại đặc biệt là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không quá 03 người thì quy định như dự thảo là phù hợp. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần cân nhắc cẩn trọng để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn vừa đảm bảo thu gọn bộ máy theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả.