Vài năm gần đây, đặc biệt là năm 2017, việc sản xuất của Nhà máy Dệt Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn. Máy móc thiết bị vẫn sử dụng từ năm 1980 dẫn đến năng suất thấp không thể đáp ứng được việc sản xuất các sản phẩm vải dệt theo yêu cầu của thị trường hiện nay: Nhà máy sản xuất vải khổ hẹp trong khi thị trường yêu cầu vải khổ rộng, chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu, chi phí lớn, vận chuyển trong nội thành rất khó khăn...
Do Nhà máy sản xuất gia công cho khách hàng bên ngoài với số lượng đơn hàng rất ít, lúc có, lúc không và hiện nay thì không còn đơn hàng nên doanh thu từ việc sản xuất của nhà máy thấp. Trong khi đó, chi phí sản xuất vẫn phải duy trì theo mức quy định (tiền điện, tiền nước, tiền ăn, tiền lương, BHXH, BHTN, thuê đất, vật tư…). Tính trong thời gian 9 tháng gần đây, Công ty Dệt 19/5 phải bù lỗ cho nhà máy hơn 700 triệu đồng.
Tình hình sản xuất gặp khó khăn đã khiến tinh thần của công nhân bất ổn, có nhiều trường hợp đòi công ty thanh lý hợp đồng lao động và kiến nghị vượt cấp.
Quyết định của công ty ngày 10/10 |
Trước những khó khăn đó, Công ty 19/5 đã quyết định sáp nhập toàn thể cán bộ, công nhân viên Nhà máy Dệt Hà Nội về làm việc tại Nhà máy Dệt Hà Nam (chuyên sản xuất vải khổ rộng)
Phương án sáp nhập này của Công ty Dệt Hà Nội đang găp phải sự phản đối từ phía công nhân do đa số công nhân Nhà máy dệt Hà Nội đều là nữ và có gia đình ổn định tại Hà Nội, đã gắn bó lâu dài với công ty, có người đã làm tới 20 - 30 năm. Nếu không chấp nhận chuyển đến làm việc tại Hà Nam, khả năng thất nghiệp đối với các công nhân này là rất cao.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.