Sẽ luật hóa vấn đề việc làm cho người cao tuổi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, đa số người cao tuổi hiện vẫn tiếp tục làm việc nhưng hầu như không có kênh tuyển dụng chính thức đối với đối tượng lao động này...
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Luật Việc làm được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ sáu ngày 1/11/2013, có hiệu lực từ 01/01/2015. Sau gần 10 năm Luật đi vào cuộc sống, nhiều chính sách hỗ trợ việc làm đã được thi hành.

Đơn cử như hỗ trợ các đối tượng đặc thù: đã đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm; lồng ghép chính sách việc làm thông qua các Chương trình Mục tiêu Quốc gia; đưa 100.000 lao động/năm đi làm việc ở nước ngoaig; hỗ trợ đào tạo nghề cho trên 200 nghìn thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Trong giai đoạn từ 201-2020 đã hỗ trợ, duy trì, mở rộng việc làm từ Quỹ, nguồn huy động của Ngân hành Chính sách xã hội cho gần 730.000 lao động, năm 2021 trên 308.000 lao động, năm 2022 trên 530.000 lao động, 9 tháng năm 2023 trên 217.000 lao động; hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: từ năm 2022 đến nay cho vay trên 10.000 lao động...

Những con số trên được đưa ra tại Hội thảo “Thông tin chính sách về lao động việc làm và an sinh xã hội” được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 28/11. Định hướng sửa Luật Việc làm là một trong những nội dung của hội thảo.

Sau gần 10 năm Luật Việc làm đi vào cuộc sống, nhiều chính sách hỗ trợ việc làm đã được thi hành. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Sau gần 10 năm Luật Việc làm đi vào cuộc sống, nhiều chính sách hỗ trợ việc làm đã được thi hành. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Theo Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH lĩnh vực lao động, việc làm hiện nay đang phải đối mặt với những vấn đề như già hóa dân số (Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới; 70% người cao tuổi vẫn tiếp tục làm việc nhưng hầu như không có kênh tuyển dụng chính thức đối với lao động trên 60 tuổi...); quản lý lao động (pháp luật đã cs quy định về quản lý lao động nhưng thực tế chưa quản lý được hết toàn bộ lực lượng lao động, nhất là lao động không có giao kết HĐLĐ, lao động làm công ăn lương không tham gia BHXH); lao động phi chính thức (pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể, trực tiếp điều chỉnh nhóm đối tượng lao động phi chính thức như lái xe công nghệ; lao động làng nghề; lao động tự do).

Từ thực tế này, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần sửa đổi Luật Việc làm với các nhóm chính sách về dịch vụ việc làm; đăng ký lao động; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp để là công cụ hữu hiệu quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề; chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, chính sách hỗ trợ việc làm cho nhóm lao động đặc thù..

Trong nhóm chính sách hỗ trợ việc làm cho nhóm lao động đặc thù Luật Việc làm sửa đổi sẽ bổ sung quy định về việc làm bán thời gian cho học sinh, sinh viên; bổ sung quy định chính sách hỗ trợ chuyển tiếp việc làm và hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi; bổ sung quy định chính sách hỗ trợ chính thức hóa việc làm phi chính thức...

Theo Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến dự án Luật Việc làm (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.

Đọc thêm