Đó là những câu hỏi được báo chí đặt ra cho lãnh đạo Bộ Nội vụ, diễn ra vào chiều 9/5, tại trụ sở của Bộ này.
Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, Bộ Nội vụ được Thủ tướng giao xây dựng Đề án văn hóa công vụ. Qua thời gian nghiên cứu công phu, lấy ý kiến tất cả các địa phương trên cả nước, các bộ ngành và tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học cũng như nắm bắt tinh thần về văn hóa công vụ của một số nước thì Đề án này đã được Thủ tướng phê duyệt vào cuối năm 2018.
“Đề án muốn thành công thì kế hoạch phải chặt chẽ… Vừa qua, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu và phân công một số nội dung rất chi tiết. Kế hoạch đã ban hành các nhiệm vụ hết sức cụ thể và sẽ được triển khai trên toàn hệ thống, mong rằng trong quá trình thực hiện sẽ có những cách làm hay, việc làm tốt”- ông Thừa tin tưởng.
Cũng theo Thứ trưởng Thừa, sau khi xây dựng Kế hoạch, Bộ Nội vụ cũng tổ chức hội thảo để lấy ý kiến, xem phạm vi của Đề án chỉ áp dụng ở khối nhà nước hay áp dụng cả khối Đảng cũng như các chính quyền địa phương?
Sau khi thảo luận, các tổ chức liên quan, như Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các ban của Đảng đã đề nghị nên nhân rộng Đề án để áp dụng trong toàn bộ hệ thống chính trị. Đó là điều rất mừng. Đề án văn hóa công vụ sẽ đánh giá được hết sức toàn diện trong việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức…
“Vậy có luật hóa không? Trong quá trình xây dựng dự án Luật Cán bộ, công chức cũng có một số ý kiến đề nghị nên đưa vào để điều chỉnh. Chúng tôi đã tiếp thu và đang tính sẽ đưa vào một số điều luật”- ông Nguyễn Trọng Thừa nói, đồng thời cho biết, trong Đề án này cũng có đề cập đến việc xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
“Còn ở mức độ Nghị định hay Thông tư, hay Luật thì quá trình nghiên cứu chúng tôi sẽ đề xuất. Chúng ta sống và làm việc theo pháp luật, cái gì mà tốt, được các cấp có thẩm quyền xem xét mà luật hóa được thì cũng tốt”- Thứ trưởng Bộ nội vụ nhận định./.