Sẽ miễn lệ phí môn bài năm đầu tiên với cơ sở kinh doanh

(PLVN) - Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài Bộ Tài chính đang soạn thảo, trường hợp mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) hoặc mới thành lập cơ sở SXKD trong năm đầu tiên sẽ được miễn lệ phí môn bài. Đề xuất này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Cơ sở kinh doanh mới hoạt động sẽ được miễn lệ phí môn bài năm đầu tiên
Cơ sở kinh doanh mới hoạt động sẽ được miễn lệ phí môn bài năm đầu tiên

Khoản 3 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định: Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình đang kinh doanh hoặc mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp (DN) trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số DN trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm. Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có thực tế kinh doanh nhưng không kê khai đăng ký lệ phí, phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm hay cuối năm.

Nhằm giảm chi phí đầu vào cho DN và người dân, tại Công văn 5116/BTC-CST, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa đổi Nghị định 139/2016/NĐ-CP theo hướng: Miễn lệ phí môn bài đối với trường hợp mới ra hoạt động SXKD hoặc mới thành lập cơ sở SXKD trong năm đầu tiên (từ ngày 01/01 đến 31/12 năm khởi sự kinh doanh) và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Vì vậy, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2016/NĐ-CP Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định miễn lệ phí đối với cơ sở mới thành lập và hoạt động, bổ sung khoản 8 Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về các trường hợp miễn phí gồm: “8. Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra hoạt động SXKD hoặc mới thành lập cơ sở SXKD trong năm đầu tiên (từ ngày 01/01 đến 31/12 năm khởi sự kinh doanh)”.

Với quy định này, Bộ Tài chính dự kiến tác động giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) như sau: Nếu số lượng tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia khởi sự trong năm 2019 tương đương với năm 2018 (khoảng 147.209 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình) thì với quy định miễn lệ phí môn bài đối với trường hợp tổ chức mới ra hoạt động SXKD hoặc mới thành lập cơ sở SXKD trong năm đầu tiên thì dự kiến số thu NSNN từ lệ phí môn bài giảm khoảng 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, chính sách lệ phí môn bài có tác động lớn đến người dân, DN cũng như đời sống kinh tế - xã hội. Nếu quy định miễn lệ phí môn bài đối với trường hợp mới ra hoạt động SXKD hoặc mới thành lập cơ sở SXKD trong năm tài chính đầu tiên thì sẽ giảm bớt thời gian và chi phí của người dân và DN.

Hộ kinh doanh chuyển lên DN nhỏ, siêu nhỏ sẽ được miễn thuế thu nhập DN 2 năm

Trước đó, tại Dự thảo Nghị quyết việc áp dụng một số chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN đối với DN nhỏ và siêu nhỏ đã được Chính phủ đồng ý, Bộ Tài chính đã đưa ra các mức giảm cho các DN vừa và nhỏ xuống mức 15, 17% thay vì mức 20% như hiện nay. 

Dự thảo đưa ra mức thuế suất 15% áp dụng đối với trường hợp DN siêu nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người. Mức thuế suất 17% được áp dụng đối với trường hợp DN nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.

Đối với 2 trường hợp DN siêu nhỏ, DN nhỏ nêu trên được thành lập mới từ hộ kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế thu nhập DN trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế. Những hộ kinh doanh được áp dụng theo quy định này phải có thời gian sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất 12 tháng tính đến ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu.

Bộ Tài chính cho biết, đề xuất này được đưa vào Dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Nếu được thông qua, Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc thực hiện các giải pháp tại Dự thảo Nghị quyết có thể làm giảm thu NSNN khoảng 9.200 tỷ đồng/năm.

Đọc thêm