Sẽ phân quyền quản lý quốc lộ cho địa phương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 của Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, thời gian tới, để nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý, Cục ĐBVN cần xác định rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ bằng việc điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật Đường bộ, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho công tác phân cấp, phân quyền.
Nhiều đoạn đường quốc lộ sẽ do địa phương quản lý. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Nhiều đoạn đường quốc lộ sẽ do địa phương quản lý. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo phân cấp, phân quyền mạnh mẽ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, không thể tiếp tục để Cục ĐBVN quản lý 25.000km quốc lộ. Tới đây, sẽ phải tách bạch rõ ràng chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý trực tiếp.

Cụ thể, Cục ĐBVN sẽ chỉ tập trung quản lý các quốc lộ chính yếu và phân cấp cho các Sở GTVT quản lý các tuyến thứ yếu. Đơn vị được phân cấp, phân quyền sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trong quản lý tuyến đường. “Tỉnh Quảng Ninh đã được phân cấp quản lý toàn bộ quốc lộ trên địa bàn, tới đây cần nhân rộng mô hình này. Chọn một số tuyến, có hành lang pháp lý để thực hiện và người quản lý đường cũng cần phải chính quy, hiện đại” - Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Lãnh đạo Bộ GTVT phân tích thêm, chức năng quản lý nhà nước là xây dựng thể chế chính sách. Cục ĐBVN nghiên cứu phân cấp, phân quyền, không ôm đồm theo đúng định hướng của Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo, chỉ ban hành chính sách và làm công tác thanh, kiểm tra. “Khi đã phân cấp, phân quyền chỉ thanh, kiểm tra ở cấp Sở GTVT, không cần phải xuống tận đến doanh nghiệp” - ông Thọ nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường - Cục trưởng Cục ĐBVN, Cục này đã đưa các quy định về phân cấp, phân quyền cho địa phương quản lý quốc lộ vào dự thảo Luật Đường Bộ. Hiện, cả nước có khoảng 610.000km đường bộ, trong đó đã phân quyền quản lý đường tỉnh, đường huyện gần 590.000km. Trong số 25.000km quốc lộ đã ủy quyền cho các sở GTVT quản lý 13.000km.

Ông Cường cho rằng tới đây sẽ không ủy quyền cho Sở GTVT mà sẽ phân cấp cho UBND tỉnh quản lý. Trong số 12.000km quốc lộ, Cục ĐBVN trực tiếp quản lý có 2.000km thuộc các dự án BOT. Còn 10.000km còn lại, Cục ĐBVN sẽ rà soát, tuyến nào trong nội bộ của tỉnh sẽ phân cấp cho địa phương quản lý.

Theo tìm hiểu của PLVN, thời gian qua, nhiều dự án đường bộ ở một số địa phương, Bộ GTVT đã ủy quyền cho Sở GTVT địa phương thực hiện và đạt được kết quả tốt. Điển hình, dự án nâng cấp quốc lộ 4B đoạn qua tỉnh Lạng Sơn, Bộ GTVT giao Sở GTVT Lạng Sơn thực hiện. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng từ vốn ngân sách, được động thổ cuối tháng 12 này khi các thủ tục đầu tư đã hoàn thiện. Hay như dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ cũng do địa phương thực hiện, đã về đích đúng tiến độ, vừa được khánh thành cuối tuần qua…

Theo giới chuyên gia, việc quốc lộ tại các địa phương phân cho địa phương quản lý là hợp lí, Bộ GTVT chỉ nên quản lý nhà nước về lĩnh vực GTVT. Hơn nữa, khi địa phương trực tiếp quản lý đường bộ, nhất là các tuyến quốc lộ thì sẽ sâu sát hơn trong việc thực hiện bảo trì, trùng tu do tại địa bàn nắm rõ hơn tình trạng xuống cấp của các tuyến đường.

Năm 2023, giải ngân hơn 9.600 tỷ đồng bảo trì quốc lộ

Theo báo cáo của Cục ĐBVN, năm 2023, Cục này được giao gần 12.000 tỷ đồng để thực hiện công tác bảo trì quốc lộ. Đến ngày 19/12/2023, đã nghiệm thu hoàn thành gần 9.600 tỷ đồng, đạt hơn 79%, đã giải ngân hơn 10.100 tỷ đồng, đạt 84%, bảo đảm giải ngân 100% dự toán chi năm 2023. Trong bảo trì đường bộ, các giải pháp công nghệ mới, tiên tiến tiếp tục được áp dụng.

Đọc thêm