Sẽ rút giấy phép doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có hành vi vi phạm

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nào không thực hiện đúng chức năng của mình thì dứt khoát sẽ xử lý theo quy định, cao nhất là rút giấy phép, đình chỉ kinh doanh.
Quang cảnh Phiên chất vấn.
Quang cảnh Phiên chất vấn.

Hôm nay (16/3), tiếp tục chương trình làm việc của Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 1 ngày làm việc để tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Công Thương, Tài nguyên và Môi trường.

Phát biểu trước khi bước vào phần chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương có chức năng quản lý nhà nước đa ngành, bao gồm nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, trong đó có những vấn đề tương đối phức tạp, nhạy cảm, vì vậy luôn được cử tri, nhân dân quan tâm. Trong 2 năm qua, cùng với cả nước, ngành Công Thương phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra.

Bước sang năm 2022, trong khi đang phải đối diện với nguy cơ gia tăng lạm phát trên quy mô toàn cầu do hầu hết các quốc gia đều tăng các gói kích cầu để phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch, thì lại nổ ra xung đột Nga - Ukraina. Biến cố này kết hợp với những biện pháp trừng phạt kinh tế của các nước phương Tây nhằm vào Nga - nước xuất khẩu nhiên liệu, lương thực và một số vật tư chiến lược lớn của thế giới, đã và đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, trong đó nguồn cung và giá cả trong nước cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, nhất là về xăng dầu.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn.

Bên cạnh đó, xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đó, ngành Công Thương, dưới sự lãnh đạo kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nỗ lực hết mình, chủ động, sáng tạo, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lưu thông ngay cả trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp; cung ứng điện và hàng hóa thiết yếu khá đầy đủ, ổn định.

Tuy nhiên, nhiều khó khăn, thách thức liên tục xuất hiện đòi hỏi công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương cần phải tập trung giải quyết, trong đó có việc giá xăng dầu tăng cao.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã nhanh chóng vào cuộc để xử lý hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề này để bảo đảm đáp ứng đủ lương thực, đặc biệt là xăng dầu trong nước.

Nhờ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt đó, tình hình cung ứng xăng dầu được duy trì ổn định, nguồn cung xăng dầu 3 tháng đầu năm được bảo đảm và có phương án cụ thể, khả thi về nguồn cung đến hết quý II/2022 trong điều kiện năng lực sản xuất dầu trong nước vẫn chưa đạt được như cam kết.

Tại Phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhận nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về vấn đề xăng dầu.

Liên quan đến thiếu hụt nguồn cung, vai trò của nhà máy lọc dầu trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng đã có thời gian Việt Nam không có nhà máy nào nhưng đất nước không thiếu xăng dầu. Hiện nay, chúng ta có Nhà máy Bình Sơn là nhà máy đầu tư từ nguồn vốn trong nước (PVN), hoạt động tương đối ổn định, công suất đáp ứng 35% nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Nghi Sơn là nhà máy liên danh, hoạt động khó khăn mà nguyên nhân chủ yếu là vấn đề tài chính. PVN là một bên trong liên danh này đã báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan chức năng để đấu tranh, yêu cầu 2 liên danh còn lại thực hiện đúng cam kết cung ứng dầu cho thị trường trong nước.

Qua PVN được biết, nguồn nguyên liệu đầu vào của Nghi Sơn được nhập hoàn toàn từ Cô-oét, trong bối cảnh giá cả thế giới hiện nay nên có biến động giá, khan hiếm nguồn cung và khó khăn về tài chính. PVN cam kết trước Bộ Công Thương rằng sản lượng lấy từ Nghi Sơn tung ra thị trường đảm bảo như cam kết thì Bộ và các ngành chức năng mới dừng kế hoạch nhập khẩu. Bộ cũng sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý triệt để và vấn đề này sẽ chờ kết quả giám sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Chia sẻ về tình hình kiểm tra, giám sát kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước, Bộ trưởng Công Thương cho hay, qua thanh tra 16.800 cửa hàng bán lẻ có 211 cửa hàng có hiện tượng đóng cửa. Trong đó phần lớn do sự cố kỹ thuật, một số nơi không có hàng thì truy đến cùng là do nhập xăng dầu từ Nghi Sơn nên Bộ đã chỉ đạo chia sẻ nguồn cung từ các nhà cung ứng khác: từ Bình Sơn hoặc hàng nhập.

Bộ đang tiến hành thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu, hiện đã có kết quả bước đầu nhưng do chưa đầy đủ dữ liệu, căn cứ… nên chưa thể báo cáo cụ thể. Nhưng tinh thần là nếu phát hiện doanh nghiệp đầu mối nào không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình thì dứt khoát sẽ xử lý theo quy định của pháp luật và hình thức cao nhất là rút giấy phép, đình chỉ kinh doanh.

Phát biểu khai mạc Phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức chất vấn đối với 02 nhóm vấn đề. Cụ thể, là nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của ngành Công Thương liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tài nguyên-môi trường liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Đây là hai nội dung chất vấn có phạm vi rộng, ảnh hưởng và tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân; quản lý nhà nước không chỉ tập trung ở 2 bộ quản lý ngành nêu trên mà còn liên quan đến các Bộ, ngành liên quan…

Đọc thêm