Bộ máy hành chính phải gọn nhẹ
Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đây là dự án Luật phức tạp với nhiều chính sách mới, mang tính thử nghiệm, đột phá, khác với pháp luật hiện hành. Vì vậy, nguyên tắc trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật là cần quán triệt những quan điểm, mục tiêu xây dựng đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt được thể hiện tại Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị.
Đối với vấn đề tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu vẫn còn ý kiến khác nhau, ông Định cho biết, ý kiến của Bộ Chính trị là mô hình chính quyền của đặc khu gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND), nhưng tổ chức gọn nhẹ, đổi mới cả chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu phù hợp với đặc thù của đặc khu. Theo đó, tại dự thảo Luật gửi các đại biểu tại hội nghị, Điều 59 quy định chính quyền địa phương ở đặc khu là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND đặc khu và UBND đặc khu, thay vì mô hình trưởng đặc khu như dự thảo trước.
Làm rõ mối quan hệ với ngân sách đặc khu
Thảo luận tại Hội nghị, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, việc dự thảo lần này xác định chính quyền địa phương đặc khu là cấp chính quyền địa phương thì đương nhiên phải có HĐND và UBND, vì điều này đã được quy định tại Hiến pháp. Tuy nhiên, ông Tám không đồng tình với đề xuất thành lập Ban Tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu vì theo quy định như dự thảo, đã có nhiều cơ quan thực hiện việc giám sát kiểm tra, nếu có thêm Ban Tư vấn thì sẽ có thêm nhiều ràng buộc với chủ tịch UBND và UBND đặc khu.
Đồng quan điểm, ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, nếu Chủ tịch UBND đặc khu không đồng ý với ý kiến của Ban Tư vấn thì phải giải trình bằng văn bản nói rõ lý do. Đây là bước có thể sẽ kéo lùi, làm chậm thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch UBND và UBND đặc khu. Cùng với đó, việc tổ chức Ban ngay trong đơn vị HCKTĐB là chưa phù hợp chủ trương của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy cũng như chưa tạo điều kiện phát huy hiệu lực hiệu quả của UBND và Chủ tịch UBND đặc khu.
Về ngân sách đặc khu, dự thảo được chỉnh lý quy định rõ ngân sách đặc khu là một cấp ngân sách thuộc hệ thống ngân sách nhà nước, tương đương ngân sách cấp huyện để xác định nguồn thu, nhiệm vụ chi, việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách đặc khu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật này, đồng thời tạo cơ sở cho việc áp dụng các quy định của pháp luật liên quan đối với ngân sách đặc khu.
Phân tích quy định trên, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) lo ngại sẽ dẫn đến khó triển khai trong thực tiễn, bởi theo Luật Ngân sách nhà nước, ngân sách tương đương cấp huyện thì toàn bộ việc giao nhiệm vụ thu, chi sẽ UBND, HĐND cấp tỉnh quyết định nhưng định mức tiêu chuẩn chi từ chi thường xuyên, đầu tư, khoa học công nghệ… lại giao đặc khu quyết định. Từ đó ĐB Hàm đề nghị cần quy định rất rõ trong luật mối quan hệ giữa ngân sách đặc khu với ngân sách tỉnh, ngân sách trung ương.
Ủng hộ quan điểm trên nhưng ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đặt câu hỏi, với công nghệ điện toán đám mây hoạt động trên qui mô toàn cầu thì quy định chỉ lưu trữ đối với thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, tính khả thi ra sao? Quy định này có đi ngược thông lệ quốc tế khi internet là thông tin mạng mang tính toàn cầu? Từ thực tiễn máy chủ có thể là máy ảo, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng cần xem xét yêu cầu đặt văn phòng đại diện, cơ quan đại diện tại Việt Nam. Bởi hiện nay máy chủ mà những người sử dụng thường xuyên trên internet, Google, Facebook, Youtube… đều đặt tại nước ngoài.