Phải tăng cường giám sát và tiếp xúc cử tri theo chuyên đề

(PLO) - Tuy số lần tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội đã được cố định 1 năm 4 lần, nhưng theo một số ý kiến, nội dung của các cuộc tiếp xúc vẫn còn hình thức, chung chung; đặc biệt những buổi tiếp xúc theo chuyên đề thì chúng ta chưa làm được.
Chủ tịch QH  Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã ký kết Quy chế phối hợp công tác (sửa đổi) của UBTVQH và Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã ký kết Quy chế phối hợp công tác (sửa đổi) của UBTVQH và Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam.

Nhìn nhận rõ vấn đề này và để khắc phục tình trạng trên, hôm qua (14/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTW MTTQ) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện quy chế phối hợp công tác và Lễ ký Quy chế phối hợp công tác (sửa đổi).

Vẫn duy trì phương thức tiếp xúc cử tri truyền thống 

Tại hội nghị, hầu hết các đại biểu nhất trí cho rằng, 15 năm qua, công tác phối hợp giữa hai bên đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của UBTVQH, các cơ quan của QH, UBTW MTTQ Việt Nam và MTTQ Việt Nam các cấp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Hiến pháp, pháp luật quy định. 

Tuy vậy, bên cạnh mặt đạt được, vẫn còn những bất cập như việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết chưa thực hiện thường xuyên; công tác phối hợp đôn đốc, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri có một số nội dung còn hạn chế nên kết quả giải quyết của một số bộ, ngành còn trường hợp  chưa rõ ràng, đầy đủ dẫn đến tình trạng có những kiến nghị của cử tri kéo dài qua nhiều kỳ họp nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. 

Cùng với đó, việc giới thiệu, hiệp thương lựa chọn người ứng cử đại biểu QH chưa chặt chẽ, còn để lọt đại biểu vi phạm tiêu chuẩn quy định; công tác phối hợp trong tổ chức tiếp xúc cử tri cho các đại biểu QH có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả, còn tình trạng “đại cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp”;  việc đổi mới các hình thức, phương thức tiếp xúc cử tri như tiếp xúc theo chủ đề, nhóm đối tượng… chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu vẫn duy trì phương thức tiếp xúc cử tri truyền thống trước và sau mỗi Kỳ họp của QH.

Nguyên nhân của những hạn chế trên - theo các đại biểu - xuất phát từ  những quy định của pháp luật hiện hành chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tiếp thu, phản hồi ý kiến tham gia góp ý, phản biện của MTTQ Việt Nam đối với các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của cơ quan chủ trì soạn thảo; còn thiếu các quy định về hoạt động thu thập, lấy ý kiến, kiến nghị của cử tri, các hoạt động phản biện xã hội về các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Ngoài ra, việc giám sát đại biểu dân cử, cán bộ công chức theo quy định của pháp luật cũng chưa có hướng dẫn cụ thể; chưa có quy định rõ ràng về theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, nhất là xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân khi chưa thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Tăng cường công tác giám sát 

Để bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định của Quy chế hiện hành với các luật, nghị quyết liên quan, UBTVQH và Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam đã nhất trí sửa đổi, bổ sung Quy chế nhằm quy định rõ hơn trách nhiệm của mỗi bên, phát huy tính chủ động, sáng tạo, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác. Theo ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, trong thời gian tới, hai bên cần khắc phục những bất cập để việc thực hiện đi vào chiều sâu, tránh hình thức. MTTQ sẽ thường xuyên trao đổi thông tin, rút kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để đẩy mạnh các cuộc vận động; phối hợp chặt chẽ với QH trong việc xây dựng luật, pháp lệnh để phù hợp với tình hình thực tế. 

Thừa nhận công tác phối hợp tiếp xúc cử tri giữa hai cơ quan vẫn chưa sâu sát, việc thực hiện các nội dung của Quy chế phối hợp, có việc, có nơi, có lúc còn hình thức, chưa sâu, chưa rõ nét, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị trong thời gian tới, hoạt động phối hợp giữa hai bên cần hướng tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng của hoạt động tiếp xúc cử tri, giảm những cuộc tiếp xúc mang tính hình thức, tăng cường những cuộc tiếp xúc chuyên đề. “Chúng ta cần phải có những tiếp xúc chuyên đề thông qua hình thức lấy ý kiến của nhân dân và có những tuyên truyền về hệ thống pháp luật cho cử tri qua đối thoại để từ đó cử tri hiểu và phản ánh những vấn đề pháp luật còn bất cập. Theo tôi cần phải đổi mới như vậy”- ông Hiển nói.

Cùng quan điểm, ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, trong thời gian tới, hoạt động tiếp xúc cử tri cần tăng cường việc giám sát của MTTQ các địa phương với các Đoàn đại biểu QH, tăng cường việc tiếp xúc theo chuyên đề, theo lứa tuổi, chuyên ngành. Thông qua việc chủ động tổ chức tiếp xúc nhằm giải đáp những vấn đề cụ thể, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân không chỉ ở vật chất mà cả tư tưởng; bảo vệ quyền và lợi ích, hợp pháp của công dân.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, kết luận hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai cơ quan cần phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả hơn, trong đó tập trung vào việc tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, phát huy mọi khả năng sáng tạo và thu hút nguồn lực của nhân dân để phát triển đất nước. Bên cạnh đó, cần đổi mới, nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri của đại biểu QH và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. 

Đọc thêm