Selfie – thói “tự mê sướng” nguy hiểm?

(PLO) - “Selfie” đang là mốt thời thượng. Phải chăng selfie là một xu thế nghệ thuật đương đại, kế thừa từ nghệ thuật chụp ảnh của tranh chân dung? Hay đó lại là một thái độ “tự mê sướng” nguy hiểm?
 
Selfie – thói “tự mê sướng” nguy hiểm?
Phá bỏ chuẩn mực ảnh chân dung
Từ "Selfie" có nguồn gốc từ tiếng Anh. “Self” (tự mình) có lẽ xuất hiện lần đầu vào năm 2002 tại Úc trên trang mạng truyền thông ABC Online. Rồi trên các trang mạng khác như Flickr hay Myspace vào năm 2004, trước khi bị biến thành một lý thuyết trong cẩm nang thực hành chụp ảnh do một người tên Jim Krause thực hiện. 
Như vậy “Selfie” hay còn gọi là “tự chụp ảnh” hay “chân dung về cái tôi” là một dạng ảnh chân dung kỹ thuật số được thực hiện nhờ sự trợ giúp của một điện thoại cầm tay và được dành cho một cổng chia sẻ, nhất là thông qua các trang mạng xã hội.
Trên thực tế, nghệ thuật ảnh chân dung không phải là một hiện tượng mới mẻ. Rất nhiều họa sĩ và nhiếp ảnh gia đã thực hành nghề này từ lâu. Vẽ ảnh chân dung đã có từ thời Ai Cập cổ đại và trải qua nhiều nền văn minh khác nhau.
 
Tuy nhiên, theo giới nghiên cứu, ảnh chân dung tự chụp (selfie) nổi tiếng và có thể xem như đó là bức “Selfie” đầu tiên trên thế giới là do chính nữ công tước Anastasia Nikolaevna thực hiện năm 1914.
Như giải thích của cô Pauline Escande - Gauquié, nhà thuật ngữ học, giảng viên trường đại học Paris Sorbonne, từ lâu ảnh chân dung chỉ dành cho tầng lớp “tinh hoa” trong xã hội: Giới trí thức, quý tộc.. Nhờ vào sự phát triển của ngành nhiếp ảnh, nên ảnh chân dung trở nên phổ biến hơn. 
Và theo quan điểm của Ronan Chastellier, chủ tịch tạp chí Tendanceo - Opinionway, ảnh chân dung bằng “selfie” đã phá vỡ các chuẩn áp đặt trong lối thể hiện ảnh chân dung truyền thống: 
“Điều thú vị đó là những tấm ảnh không bất động, ngược lại với ảnh chân dung theo lối truyền thống. Trong ảnh "selfie", nếu ta càng xê dịch, càng thoải mái, và tự nhiên bao nhiêu, ảnh selfie càng hay bấy nhiêu”.
“Săn ảnh” chính bản thân 
Với một số chuyên gia, sự thành công của “Selfie” chính là dấu hiệu kiểu tôn thờ “cái tôi”. Số khác thì lại cho rằng đó chỉ là một sự biểu hiện về tính chất tức thì và chia sẻ . 
Ngoài tính chất nghệ thuật “tự kể” về mình, “selfie” còn là một công cụ liên lạc, trao đổi thông tin hữu hiệu. Sự giao thoa giữa phát triển kỹ thuật số và kỹ thuật giao tiếp đã làm nảy sinh cái gọi là “thương hiệu cá nhân”. 
Người ta có thể vừa tạo cho mình một hình ảnh vừa mang tính chất cá nhân, thông qua “Selfie” và vừa có tính chất chuyên nghiệp nhờ vào các trang mạng xã hội. Có thể nói, “Selfie đã trở thành một công cụ truyền thông thật sự”, như nhận xét của nhà xã hội học Ronan Chastellier.
“Selfie” đang tạo ra một sự thử nghiệm chưa từng có: “Được thấy đang tự ngắm mình”. Tự mình trở thành kẻ săn ảnh chính bản thân. Tự mình tự kiểm soát lấy hình ảnh của mình như giải thích của Guillaume Ridolfi, Giám đốc hội Headoo tại Pháp.
Thành công của “Selfie” không chỉ có giới trẻ mới cảm nhận được. Tính tiện ích “tự quảng bá” của “Selfie” cũng đã được giới showbiz cũng như các chính khách nhanh chóng nắm bắt. 
Hậu quả tâm lý chỉ yêu bản thân mình
Nhưng sự “tự mê sướng” đó đi quá giới hạn sẽ có những hệ quả tai hại trên bình diện tâm lý học. Tờ tạp chí Mỹ Time Magazine, đã trích dẫn một nghiên cứu thuộc Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health), gióng lên hồi chuông báo động cho rằng các chứng rối loạn về tính tự mê sướng ở giới trẻ trong độ tuổi 20 cao gấp ba lần so với những người trên 65 tuổi.
Ông David Gourion, tiến sĩ về Phân tâm học xác nhận tỷ lệ đặc tính tự mê sướng ở thanh thiếu niên có xu hướng gia tăng. “Một số nghiên cứu ước tính tỷ lệ thanh thiếu niên và giới trẻ bị chứng phức cảm tự tôn chiếm khoảng từ 5-10%. Những người này có khuynh hướng tìm kiếm không ngừng cảm giác tự khâm phục và dường như có cảm giác là ai cũng nợ họ hay như là người khác phải phục tùng họ...”. 
Một quan điểm cũng được nhiều chuyên gia về Tâm thần học đồng chia sẻ. Vì “Selfie” là cách để giới trẻ ngày nay tự khẳng định bản sắc của mình, ai cũng phải có dấu ấn riêng để “cảm thấy được tồn tại”, nên đôi khi sự thái quá đã dẫn đến “thảm kịch” họ tìm cách ngự trị những gì mà họ cho là tốt nhất.
Đỉnh điểm của sự thái quá là ở những người thích đùa cợt với nỗi sợ. Nếu như “Selfie” được sử dụng như là hình thức chứng nhận những gì mình đã thấy, đã làm… , những kiểu « Selfie nguy hiểm » còn là cách thức dàn cảnh dưới vẻ một kẻ phiêu lưu nhưng vẫn duy trì sắc thái hóm hỉnh. 
Theo nhà nghiên cứu, Nathalie Nadaud-Albertini, thuộc Trung tâm Nghiên cứu các biến động xã hội, thuộc Trường Cao học Khoa học Xã hội, “các tác giả của những kiểu “Selfie” này làm ra vẻ thật sự không sợ. Họ tạo cảm giác đang đùa cợt với nỗi sợ mà không hề chứng minh được điều đó. Họ không tin vào mối nguy hiểm có thực”.
Dù tin hay không, dù sự đùa giỡn đó có vui hay không, chỉ biết là đôi khi người ta cũng phải trả giá đắt kiểu “tự mê sướng nguy hiểm” này. Cách đây không lâu, một công dân Mỹ đã suýt mất mạng chỉ vì đã làm “Selfie” với một con rắn chuông. Để có thể giữ được mạng sống, ông đã mất 150 ngàn USD (khoảng 3,3 tỉ VNĐ) cho chi phí điều trị. Điều an ủi là giờ ông đã trở nên nổi tiếng, vì sự việc đã được hầu hết báo chí toàn cầu loan tải về sự “tự mê sướng” dại dột//.