Nếu cứ người đẹp, chân dài và có chút tiếng tăm là có thể được lên phim thì Đại học Sân khấu điện ảnh chẳng mấy năm nữa mà …đóng cửa.
|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Cái câu “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” của các cụ xưa xem chừng đã lỗi thời khi mà tung hoành trong nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau đang trở thành mốt của những người đã, đang và (hứa hẹn) sẽ nổi tiếng trên sàn catwalk hay trên sân khấu ca nhạc.
Họ đua nhau thử sức ở nhiều lĩnh vực, từ ca hát đến làm MC, rồi chen chân nhau chường mặt trên phim ảnh nước nhà. Họ thường không đủ sức từ chối trước sức cám dỗ từ những lời mời đóng phim, bất kể có hợp vai hay không. Thậm chí, có trường hợp “bầu sô” của họ còn tìm đến nhà làm phim “thương lượng” để họ được trở thành diễn viên. Đôi khi còn có cả những hợp đồng “ngoài giấy tờ” được ký kết giữa đạo diễn và họ.
Có vẻ như cái công thức “sex + người đẹp + xì-căng-đan = tiền” đang được nhiều đạo diễn tận dụng đến mức lạm dụng trong thời gian này. Nhiều phim nhan nhản tên người đẹp, người mẫu ở vai trò diễn viên như: Hà Kiều Anh, Phan Thu Ngân, Thủy Hương, Kim Khánh, Hồ Ngọc Hà, Ngô Thanh Vân, Anh Thư, Bảo Hòa, Thanh Hằng, Bình Minh, Khánh Trình,... và thậm chí cả các ca sĩ như Thanh Lam, Nguyễn Phi Hùng, Lam Trường, Quang Dũng, Phương Thanh, Ngô Thanh Vân, Đàm Vĩnh Hưng, Hiền Thục, Việt Quang, Đoan Trang, Hồng Ngọc, Kasim Hoàng Vũ, Đan Trường, Thanh Thảo, Nguyên Vũ, …
|
Ngô Thanh Vân là một trong những ca sỹ thành công trong sự nghiệp điện ảnh |
Chọn ca sĩ, người mẫu, hoa hậu đóng phim, các đạo diễn thường đưa ra những lý do chính đáng: muốn tìm gương mặt mới để tạo ra sự mới mẻ cho phim hoặc nhận thấy ca sĩ hoặc người mẫu đó hợp với tính cách nhân vật này...
Nhưng một người chỉ cần có chỉ số IQ ở mức trung bình cũng có thể nhìn ra mục đích thật sự của cuộc “đổi chác” đôi bên cùng có lợi này. Với các đạo diễn thì hầu hết ca sĩ, người đẹp (không loại trừ những người đẹp đang tạo nên xì-căng-đan trong dư luận xã hội) xuất hiện trong phim không nằm ngoài mục đích tô điểm cho khuôn hình và lôi kéo khán giả.
Và trào lưu này hẳn sẽ còn kéo dài bởi một ngôi sao màn bạc theo khái niệm hiện thời chỉ đơn giản “là người có thể kéo khán giả đến rạp, bất kỳ phim hay phim dở, bất luận họ diễn dở hay diễn hay” như lời đạo diễn Vũ Ngọc Đãng hay “là thần tượng của giới trẻ, sự xuất hiện của họ đảm bảo độ an toàn cho doanh thu của phim” như đạo diễn Phước Sang từng nói.
Đến với điện ảnh, các diễn viên nghiệp dư này cũng mỗi người một mục đích, một toan tính riêng. Có người muốn nhân cơ hội để “đánh bóng” tên tuổi (chưa được sáng lắm) của mình, có người lại chỉ để thoả mãn cái tự ái cá nhân “kém miếng khó chịu” kiểu “con A, thằng B có ra gì mà cũng lên phim, mình chả lẽ lại chịu thua kém à”.
Rất nhiều người chọn điện ảnh như một ngã rẽ dài hơi cho nghề người mẫu vốn “đoản mệnh.” Điều đáng quý là họ có đam mê nghệ thuật. Với Xuân Lan thì: “Nghề diễn xuất đầy tính mê hoặc, nó cuốn hút người ta và khiến người ta không dứt ra được… Tôi đã cố gắng để trụ trên sân khấu thời trang gần 10 năm, nay với điện ảnh tôi nghĩ phải cần một khoảng thời gian tương tự và hơn thế nữa để khẳng định mình" còn Ngô Thanh Vân thổ lộ: “Đã từng làm người mẫu, rồi ca sĩ, nhưng khi chuyển sang làm phim thì tôi tạm dừng tất cả để chăm chút cho sự nghiệp điện ảnh của mình, vì tôi nghĩ mình hợp với nó”.
Nhưng cũng không ít người mẫu và ca sĩ ngay từ đầu đã coi phim ảnh chỉ là một “cuộc chơi,” với thái độ ơ hờ kiểu “bén duyên” thì đi tiếp mà “vô duyên” thì “bai bai,” có diễn dở tý chút cũng chẳng chết ai. Lại còn có người chưa kịp nổi tiếng đã mắc bệnh ngôi sao, vô cớ bỏ buổi quay, bắt cả đoàn làm phim chờ dài cổ hay cự nự với cả đạo diễn và bạn diễn. Vụ lùm xùm quanh phim Tôi là ngôi sao liên quan đến người mẫu T.H là một ví dụ nóng hổi.
Mới đây ca sĩ Đ.T lại bức xúc ngược với khán giả: “Tại sao không nghĩ là chúng tôi thử sức, và thực tế là thế, mà lại cứ kỳ vọng quá nhiều vào vai diễn của chúng tôi để rồi mổ xẻ khi nó không như ý”. Lạ cho cái cô này, nếu cô và bạn bè không “có nhời” ở đầu mỗi bộ phim rằng “chúng tôi đang thử sức” và “đừng kỳ vọng quá nhiều vào vai diễn của chúng tôi” thì khán giả chúng tôi làm sao đoán được ý các cô mà đánh cho hai chữ “đại xá” nếu các cô có làm chúng tôi bực mình. Chúng tôi chỉ biết mua vé đến rạp, phim hay thì khen mà phim dở thì chúng tôi “chửi cho bõ tức” chứ biết đường ngang ngõ tắt nào mà nói khác. Mà lỗi cũng tại mấy ông đạo diễn và cánh nhà báo. Ai đời phim chưa ra cứ giong trống mở cờ ồn ĩ, phát biểu “sốc” để người xem kỳ vọng thấy cái “đầu voi” để rồi té ra đến rạp gặp ngay “đuôi chuột”. Và có lẽ chả khán giả nào dám kì vọng nữa đâu khi biết “quan điểm” của người mẫu N.Q: "Trước đây mỗi diễn viên thực thụ thường phải trải qua trường lớp chính quy, còn hiện nay để có được vai chính, diễn viên chỉ cần sở hữu một ngoại hình bắt mắt. Chính vì thế tôi cho rằng ngoại hình rất quan trọng với diễn viên, nhất là trong các bộ phim hướng đến số đông".
Có nên cảm thông với lý do khá ‘chua chát’ mà nhiều đạo diễn đưa ra là khó mà tìm được trong số diễn viên chuyên nghiệp vốn rất ít ỏi hiện nay những người hội đủ tiêu chuẩn: diễn xuất tốt mà có ngoại hình đẹp và tương đối mới mẻ. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng trả lời thẳng băng: “Tôi đến trường chuyên về điện ảnh cũng chưa tìm ra gương mặt nào hội đủ yếu tố. Sắc vóc không đạt, chưa bao giờ xuất hiện trước ống kính máy quay vì học trong trường toàn diễn trên sân khấu... thì thử hỏi tôi biết tìm ai bây giờ khi rất cần những gương mặt mới trong phim của mình…”. Ô hay, cứ theo lời vị đạo diễn này thì các “sản phẩm” của khối trường sân khấu - điện ảnh chỉ đáng “bỏ đi” cả sao khi mà từ cổ chí kim các trường này luôn có tiếng là thi tuyển rất khắt khe cả năng khiếu lẫn ngoại hình. Vậy là nghịch cảnh người đã qua trường lớp thì không có đất dụng võ còn người chưa qua đào tạo lại cứ ồ ạt lấn sân vẫn cứ không có cách nào giải tỏa.
Số người nổi tiếng dạo chơi trong khu vườn điện ảnh thì “đông như quân Nguyên” nhưng số người có được những vai diễn “để đời”, tạo được ấn tượng trong lòng khán giả thì chỉ lác đác như lá mùa thu. Thế mới biết để thoát khỏi cái định kiến “bình hoa di động” hay “ca sĩ đóng phim” như Minh Thư trong Gái nhảy, Anh Thư trong Những cô gái chân dài, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Hồ Ngọc Hà trong Chiến dịch trái tim bên phải, Trương Ngọc Ánh trong Áo lụa Hà Đông, Bằng Lăng trong Gái nhảy, Những cô gái chân dài, Ngô Thanh Vân trong Dòng máu anh hùng, Nguyễn Phi Hùng trong Hải Âu, Kim Khánh trong Lưới trời thật chẳng dễ dàng gì.
Số còn lại thì tẻ ngắt, nhạt thênh thếch có cũng như không như các vai diễn của Thuỷ Hương trong phim Hàng xóm, Giáng My trong Khi người ta yêu,... Chẳng ngoa khi nói rằng một lực lượng đông đảo các “ca sĩ đóng phim” và “người mẫu đóng phim” cùng với thái độ “coi thường khán giả” của các nhà làm phim đã góp công lớn người xem quay lưng tẩy chay phim “nội”.
Xung quanh trào lưu “lấn sân” của các ca sĩ, người mẫu này, các đạo diễn cũng đã mỗi người mỗi ý. Trong khi đạo diễn Khải Hưng tẩy chay vì “Họ chỉ là những bình hoa di động, diễn không có chiều sâu, vô cảm”; ông chủ hãng phim Phước Sang cho rằng đó là “giải pháp tình thế”, còn với đạo diễn Lê Hoàng người có công “khai sinh” ra phong trào này khẳng định: “Mời người mẫu nổi tiếng hoặc ca sĩ đóng phim luôn là giải pháp tối ưu. Chỉ có nước ta làm ngược lại, lấy những người học trong trường điện ảnh nhưng ‘không được đào tạo’ mới là giải pháp tình thế”.
Cái mác “diễn viên” cũng như con dao hai lưỡi, nó có thể nâng danh tiếng của người này lên nếu như họ diễn xuất thành công và nó cũng sẵn sàng hạ bệ người khác nếu họ vào vai một cách mờ nhạt, vô hồn nên có người “ôm đồm” thì thành công còn người khác lại bị mang tiếng là tham lam, háo danh, không biết sức mình. Cũng đã có không ít đạo diễn bị rơi vào thế “gậy ông đập lưng ông” khi quá lạm dụng phương án này. Suy cho cùng người mẫu hay ca sĩ đóng phim không phải là một cái tội, họ chỉ mắc tội khi không khiến khán giả hài lòng với vai diễn của họ mà thôi.
Nam Phương