Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (HoSE: SHB) công bố tài liệu đại hội thường niên 2024. Ngân hàng xác định năm nay là một năm bản lề của chuyển đổi, tăng cường nội lực và duy trì đà tăng trưởng theo hướng bền vững, hiệu quả.
SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 11.286 tỷ đồng, tăng 22%. Tổng tài sản đạt 701.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 40.658 tỷ đồng, tăng gần 12%; kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Mục tiêu của SHB khẳng định bước tiến mạnh mẽ, mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn của nền kinh tế; đồng thời gia tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế và đáp ứng lợi ích, mong muốn của cổ đông.
Năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và trong nước đối mặt khó khăn do bất ổn địa chính trị, nhu cầu giảm, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt… Dù vậy, ngân hàng đã ghi nhận kết quả khả quan. Lợi nhuận trước thuế đạt 9.239 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2023, tổng tài sản đạt 630.501 tỷ đồng, tăng 16%; vốn điều lệ 36.194 tỷ đồng. Hiệu quả kinh doanh ổn định, chỉ số CIR ở mức 23,7% - đặc biệt, SHB là ngân hàng quản lý chi phí tốt nhất thị trường nhờ chú trọng công tác quản trị rủi ro, tiết giảm chi phí, thường xuyên rà soát cơ chế kinh doanh theo hướng linh hoạt thích ứng.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's giữ nguyên đánh giá B1 với SHB minh chứng tính an toàn, hiệu quả, khẳng định sức mạnh nội tại của ngân hàng, là nền tảng để tiếp tục tăng trưởng bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.
“Ngân hàng đồng hành” cùng cổ đông, khách hàng và đất nước
Một trong những nội dung quan trọng tại đại hội, SHB trình cổ đông trả cổ tức 2023 tỷ lệ 16%, trong đó 5% bằng tiền mặt và 11% bằng cổ phiếu. Ngân hàng đã duy trì chính sách trả cổ tức đều đặn cho cổ đông trong nhiều năm qua, đồng hành trong những thời điểm khó khăn của nền kinh tế. Đây cũng là điều tạo nên sự tin tưởng và gắn bó của cổ đông với ngân hàng.
Năm nay, phương án trả cổ tức một phần bằng tiền là nỗ lực của ngân hàng chia sẻ hỗ trợ cổ đông trong bối cảnh kinh tế đang ở giai đoạn hồi phục.
Bên cạnh đó, duy trì chia cổ tức một phần bằng cổ phiếu cũng giúp ngân hàng tiếp tục củng cố nền tảng vốn điều lệ. Trong 10 năm qua, vốn điều lệ của SHB nâng lên gấp gần 4 lần và chạm mức 36.629 tỷ đồng vào đầu tháng 4.
Vừa qua, Phó Chủ tịch HĐQT SHB, ông Đỗ Quang Vinh đã đăng ký mua hơn 100,2 triệu cổ phiếu SHB trong thời gian 19/4 – 17/5, dự kiến nâng sở hữu lên 101,1 triệu cổ phiếu, tương ứng với 2,79% vốn SHB. Nếu giao dịch thành công, ông Vinh sẽ là người có tỷ lệ sở hữu cổ phần SHB cao nhất trong HĐQT ngân hàng. Đó như một lời khẳng định của vị lãnh đạo trẻ về chặng đường đồng hành phía trước cùng ngân hàng, cùng các cổ đông khác và niềm tin vào tương lai SHB.
Sau thông tin trên, cổ phiếu SHB đã tăng trần trong phiên giao dịch ngày 15/4. Tuy nhiên, thị trường chung giảm mạnh khiến cổ phiếu SHB thu hẹp đà tăng. Kết phiên, cổ phiếu SHB là mã duy nhất giữ sắc xanh trong ngành ngân hàng và nhóm VN30, đồng thời là một trong 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng hơn 2,7 triệu cổ phiếu SHB trong phiên. Diễn biến cổ phiếu phần nào cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư với lãnh đạo ngân hàng và kế hoạch tham vọng của SHB.
Bước sang tuổi 31, SHB đang hướng đến một giai đoạn phát triển mới. Trong tháng 1/2024, Hội đồng quản trị đã phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi giai đoạn 2024-2028. Nhiều chính sách sẽ được triển khai trên tất cả hoạt động của ngân hàng, hướng đến mục tiêu SHB vươn tầm trở thành định chế tài chính hàng đầu.
Kế thừa nền tảng tài chính mạnh mẽ cùng giá trị cốt lõi, kết hợp với tư duy đổi mới, sáng tạo, SHB đang bước tiếp trên con đường chinh phục những đỉnh cao mới, mang nhiệt huyết đóng góp vào nền kinh tế đất nước và thịnh vượng của người dân.
Khẳng định vị thế là ngân hàng nhóm đầu hệ thống về vốn điều lệ, tổng tài sản, những năm qua SHB luôn tích cực thúc đẩy dòng vốn ra nền kinh tế thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng, đặc biệt là cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) với lãi suất hợp lý.
Trong suốt hành trình ba thập kỷ, SHB đã và đang làm tốt vai trò là kênh dẫn vốn cho các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế, tài trợ lĩnh vực sản xuất kinh doanh được khuyến khích phát triển của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Với chiến lược chuyển đổi 2024-2028, Ngân hàng sẽ tiếp tục cùng đồng hành với cổ đông, khách hàng, người dân và doanh nghiệp bám sát định hướng của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, chung tay xây dựng đất nước. Đồng thời, ngân hàng cũng đồng hành cùng cộng đồng, xã hội trong các vấn đề về môi trường, đóng góp vào tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của quốc gia, hưởng ứng chiến lược đến năm 2050 của Chính phủ về phát triển năng lượng tái tạo.