SHB sẽ chuyển nhượng 100% vốn tại SHB Finance cho Krungsri

(PLVN) - Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản.
Ông Đỗ Quang Vinh - Giám đốc Khối Ngân hàng số, Phó Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ SHB, Chủ tịch Hội đồng thành viên SHB Finance (tại Việt Nam) và ông Seiichiro Akita - Chủ tịch kiêm CEO Krungsri (tại Thái Lan) ký thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn SHB Finance.

Theo đó, khi hai bên đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật và đạt được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam cũng như cơ quan quản lý có liên quan của Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản; SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.

Thỏa thuận chuyển nhượng SHB Finance sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của SHB cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của SHB. Đồng thời, việc hợp tác chiến lược giữa hai ngân hàng có quy mô và vị thế Top 5 tại Việt Nam, Thái Lan sẽ mở ra cơ hội phát triển mang tầm khu vực và vươn ra thế giới.

Sức hút từ thị trường tài chính tiêu dùng tiềm năng

Không chỉ giúp nền kinh tế có thêm được nguồn vốn tín dụng hữu hiệu, góp phần phát triển hệ thống tài chính Việt Nam trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các công ty tài chính tiêu dùng còn giúp người dân tiếp cận với nguồn vay vốn chính thống dễ dàng hơn, chung tay đẩy lùi tín dụng đen.

Trong hơn 10 năm phát triển, tài chính tiêu dùng Việt Nam ngày càng cho thấy tiềm năng và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng với quy mô dân số hơn 98 triệu người, dân số trẻ ở độ tuổi trung bình 32,9 tuổi. Dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2012. Năm 2021, nhiều chuyên gia dự báo nhu cầu tín dụng tiêu dùng khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, có thể tăng khoảng 13-15%.

Đây là lý do thời gian qua, rất nhiều ngân hàng trong nước đã nhiều lần hé lộ kế hoạch “săn tìm” và mua lại công ty tài chính. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt tới thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Và chắc chắn, những thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này sẽ còn sôi động thời gian tới.

Cơ hội phát triển mang tầm khu vực và vươn ra thế giới

Nằm trong top 10 công ty tài chính tiêu dùng Việt Nam, SHB Finance được đánh giá nhiều tiềm năng và thế mạnh tăng trưởng, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do Ngân hàng SHB sở hữu 100% vốn - một trong những công ty được cấp vốn cao nhất trên thị trường. Sau thời gian đàm phán, ngày 25/8/2021, SHB đã ký kết các thỏa thuận liên quan việc chuyển nhượng vốn điều lệ tại SHB Finance cho Krungsri của Thái Lan - thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG - Nhật Bản.

Theo đó, khi hai bên đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật và đạt được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam cũng như cơ quan quản lý có liên quan của Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản; SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.

Krungsri là tập đoàn tài chính lớn thứ 5 tại Thái Lan về tổng tài sản, dư nợ, tiền gửi. Trong đó, tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) nắm giữ 76,88% vốn. MUFG được biết đến là tập đoàn tài chính lớn nhất Nhật Bản và một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất thê giới.

MUFG cũng đã có nhiều kinh nghiệm hoạt động tại thị trường Việt Nam, là cổ đông chiến lược sở hữu 20% vốn tại một ngân hàng lớn trong nước của Việt Nam và góp phần đưa ngân hàng này có nhiều bước phát triển ấn tượng trong những năm gần đây.

Tại Thái Lan, Krungsri cung cấp một loạt các dịch vụ ngân hàng, tài chính tiêu dùng, đầu tư, quản lý tài sản và các sản phẩm, dịch vụ tài chính khác cho người tiêu dùng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các tập đoàn lớn thông qua 656 chi nhánh và phòng giao dịch tại Thái Lan, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng và xã hội với sự tăng trưởng bền vững.

“Thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam giàu tiềm năng và dư địa tăng trưởng lớn. SHB Finance là một “cô gái đẹp”, có sức khỏe tài chính lành mạnh. Sau thời gian chọn lựa và đàm phán, chúng tôi đã tìm được một đối tác phù hợp với chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ hiện đại đa năng, góp phần mang lại giá trị cộng hưởng trên nhiều khía cạnh như trình độ quản trị; công nghệ; nâng cao năng lực tài chính; phát triển khách hàng, sản phẩm; mở rộng hợp", ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB cho biết.

“Chúng tôi rất vui mừng thông báo rằng Krungsri đã ký thỏa thuận với SHB để mua lại 100% cổ phần của SHB Finance ngay sau khi có sự phê duyệt theo quy định của các cơ quan quản lý.

Kinh nghiệm và mạng lưới rộng khắp Việt Nam của SHB cùng với sức mạnh của Krungsri trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ cộng hưởng để nâng cao năng lực cạnh tranh trong kinh doanh của SHB Finance. Hai bên sẽ phát triển và mang đến những sản phẩm tài chính tiêu dùng chất lượng cho khách hàng tại Việt Nam.

Sự kiện quan trọng này cũng nhấn mạnh cam kết của chúng tôi đối với Chiến lược mở rộng thị trường ASEAN theo kế hoạch kinh doanh trung hạn trong giai đoạn 2021-2023”, ông Seiichiro Akita - Chủ tịch kiêm CEO Krungsri cũng chia sẻ thêm.

SHB và Krungsri đều là những ngân hàng có mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch lớn trong nước Việt Nam, Thái Lan và Đông Nam Á, tương xứng về vị thế và tiềm lực. Có thế mạnh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, đặc biệt là kinh nghiệm triển khai với nền tảng công nghệ hiện đại; Krungsri sẽ cộng hưởng cùng SHB bứt phá những mục tiêu mới, tạo ra những sản phẩm khác biệt, mạnh mẽ chuyển đổi, số hóa để tạo sự thuận lợi và cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Cả hai cam kết sẽ góp phần thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, mang lại giá trị ngày càng lớn cho khách hàng và các cổ đông, đối tác.

Đặc biệt, với tầm nhìn nằm trong Top các ngân hàng bán lẻ hàng đầu, SHB và Krungsri cùng bày tỏ mong muốn kết hợp các hệ sinh thái toàn diện của hai bên ngoài lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Đọc thêm