Đại úy Hà Vũ Khang (Tiểu đoàn 11, Lữ đoàn Pháo phòng không 226, Quân khu 9):
Phải có biện pháp tiến hành công tác tư tưởng phù hợp
Cùng với công tác nắm, dự báo, định hướng tư tưởng, từ thực tiễn công tác, tôi nhận thấy việc giải quyết tư tưởng là một khâu hết sức quan trọng, cần tiến hành đồng bộ, hợp lý và phải có tính giáo dục, thuyết phục, không nên cứng nhắc bằng những biện pháp hành chính đơn thuần.
Thực tế, một số cán bộ trung đội do kinh nghiệm còn hạn chế, chưa nắm chắc các bước tiến hành công tác tư tưởng tại đơn vị, cách thức, biện pháp giải quyết thiếu khoa học, không phù hợp với đối tượng, còn nặng về dùng mệnh lệnh, chưa tìm hiểu rõ nguyên nhân sự việc và ít quan tâm giáo dục, thuyết phục, dẫn tới tình hình đơn vị có những diễn biến phức tạp.
Trên cương vị, chức trách được giao, tôi thường xuyên phấn đấu, rèn luyện để trở thành tấm gương cho cấp dưới, đồng thời làm tốt công tác giáo dục, định hướng nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ; thường xuyên sâu sát bộ đội, nắm rõ hoàn cảnh và tâm lý; sàng lọc các đối tượng để có biện pháp tiến hành công tác tư tưởng phù hợp, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Trung úy Đỗ Hoàng Duy (Lữ đoàn 962, Quân khu 9):
Xây dựng hạnh phúc gia đình là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi CB, SQT
Là những CB, SQT, chúng tôi nhận thức rõ tầm quan trọng của gia đình trong xã hội, từ đó xác định xây dựng hạnh phúc gia đình là một nhiệm vụ quan trọng mà mỗi CB, SQT phải phấn đấu.
Với CB, SQT chúng tôi, gia đình hạnh phúc là những phút giây được ở bên nhau, là những hành động, lời nói, sự quan tâm hàng ngày, bằng những cuộc điện thoại hỏi thăm cha, mẹ, người thân; bằng việc chi tiêu tiết kiệm để dành một phần tiền lương gửi về phụ giúp gia đình... Với các CB, SQT mới lập gia đình thì sự quan tâm, những lời động viên lại càng cần thiết hơn.
Chúng tôi cũng không quên nhắc nhở, động viên người thân trong gia đình phải yêu thương, giúp đỡ, quan tâm lẫn nhau; chấp hành nghiêm các quy định, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội... để giữ gìn hạnh phúc gia đình, xây dựng "tế bào" tốt của xã hội. Tuy nhiên, trong cuộc sống còn không ít khó khăn, đơn vị cần tạo điều kiện hợp lý về thời gian để CB, SQT có điều kiện chăm lo, giúp đỡ gia đình và tìm kiếm “một nửa” cho mình.
Đại úy Nguyễn Thị Thúy Nhâm-Bệnh viện Quân y 175:
Sĩ quan trẻ vững vàng nơi biển đảo tiền tiêu
Những năm qua, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) đã xây dựng lực lượng y sĩ, bác sĩ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, sẵn sàng luân phiên ra thực hiện nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. Các y sĩ, bác sĩ được phân công ra đảo đều phấn khởi nhận nhiệm vụ, đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, phát huy tốt truyền thống “Sáng về y đức, sâu về y lý, giỏi về y thuật, vững về y nghiệp” của Bệnh viện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Các bệnh xá ở Trường Sa luôn sẵn sàng cấp cứu, điều trị cho bộ đội, cảnh sát biển và nhân dân gặp nạn trên biển gần khu vực. Từ năm 2012 đến nay, hàng nghìn lượt người được khám và cấp cứu, điều trị tại Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn, trong đó cấp cứu hơn 100 trường hợp.
Để có được những kết quả trong cấp cứu, điều trị, bảo đảm sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên quần đảo Trường Sa, lực lượng SQT đã không ngừng phấn đấu, luôn đi đầu trong mọi hoạt động, vượt qua mọi khó khăn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Thượng úy Nguyễn Văn Triều-Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga:
Cảnh giác với thông tin sai trái trên mạng xã hội
Việc tham gia mạng xã hội (MXH), nếu không cẩn thận, không nắm chắc và tuân thủ các quy tắc bảo mật sẽ rất dễ bị đánh cắp thông tin, dữ liệu, vô tình làm lộ bí mật của cá nhân, cơ quan, đơn vị,… Các CB, SQT, nếu để lộ thông tin cá nhân, cũng dễ trở thành mục tiêu để các đối tượng tìm cách lôi kéo, tiêm nhiễm các quan điểm sai trái, chống phá.
Để CB, SQT có thể “miễn dịch” trước các thông tin sai trái, chống phá của các thế lực thù địch và là lực lượng xung kích đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên mạng xã hội, cần trang bị cho đội ngũ CB, SQT nhãn quan chính trị đúng đắn, hiểu sâu sắc những chứng cứ thực tế, lập luận sắc bén để vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đủ sức phản biện các thông tin xấu độc, sai trái...
Thượng úy Bùi Hữu Khương-Phòng Chính trị, Binh đoàn 16:
Đến với dân bằng tinh thần xung kích, tình nguyện
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Điểm trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu”, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 16 thường xuyên tổ chức hành quân dã ngoại đến các vùng sâu trên địa bàn tỉnh Bình Phước cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, cùng hòa mình vào bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc…
Binh đoàn đã thu hút được hàng nghìn lao động là người dân tộc thiểu số vào làm công nhân hoặc nhận khoán vườn cây của đơn vị, tạo ra những nhân tố mới trong xây dựng thôn, làng văn hóa, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. “Đáp nghĩa” đơn vị, người dân tích cực tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương luôn luôn được củng cố và phát huy.
Để giữ vững mối quan hệ đoàn kết, gắn bó quân-dân, CB, SQT cần xung kích đi đầu trong công tác vận động quần chúng; không ngừng đổi mới, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con, tăng cường “cầm tay chỉ việc”, nói đi đôi với làm, giúp bà con dần xóa được đói, giảm được nghèo, góp phần giữ vững phên dậu của Tổ quốc...