Siết chặt công tác quản lý thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau nhiều vụ việc lớn về sản xuất hàng giả được lực lượng công an phanh phui, hàng loạt các động thái liên quan đến công tác quản lý thị trường đã được đưa ra nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.
Cuộc chiến chống hàng giả cần sự tham gia của toàn dân. (Ảnh minh họa: DMS).
Cuộc chiến chống hàng giả cần sự tham gia của toàn dân. (Ảnh minh họa: DMS).

Cần sự vào cuộc của toàn dân và hệ thống chính trị

Ngày 19/5/2025, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (QL&PT TTTN) thuộc Bộ Công Thương cho biết, các hoạt động liên quan đến quản lý thị trường (QLTT) vẫn được các lực lượng chức năng địa phương thực thi đầy đủ và Cục cũng có những quản lý, chỉ đạo để bảo đảm công tác QLTT sau khi thay đổi cơ cấu cũng như quá trình sáp nhập các địa phương. Theo đó, hàng loạt các quyết định xử phạt liên quan đến sản xuất hàng giả đã được đưa ra.

Mới đây, Cục này cũng đã có văn bản gửi đến Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh để xác minh các thông tin liên quan đến tiktoker Võ Hà Linh - một “chiến thần livestream” chuyên về mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Việc này bắt nguồn từ văn bản của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam gửi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét các hoạt động bán hàng của KOL (người có sức ảnh hưởng), KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng), trong đó có TikToker Võ Hà Linh.

Đại diện Cục QL&PT TTTN cho biết, các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường vẫn được Cục này chỉ đạo thường xuyên, tuy nhiên vẫn “không xuể” khi các đối tượng lại thường có nhiều cách để đối phó. Ví dụ như các đối tượng sản xuất hàng giả có cách tiếp cận thị trường đặc thù hoặc vẫn thực hiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ kinh doanh theo quy định pháp luật để che đậy các vi phạm của sản phẩm. Các vi phạm này lại chỉ có thể phát hiện khi đem đi kiểm nghiệm những sản phẩm, hàng hóa chưa có phản ánh hay dấu hiệu vi phạm để có thể thực hiện việc lấy mẫu kiểm nghiệm.

Do đó, đại diện Cục này nhấn mạnh, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả cần huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là người dân. Qua đó, rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc để hướng tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tiến hành kiểm tra ngay khi người dân phản ánh về hàng hóa

Tại Phiên họp thứ nhất Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về cao điểm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (diễn ra ngày 19/5), Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng đã nhấn mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ là công việc rất quan trọng, mang tính lâu dài; Cần được tiến hành thường xuyên, toàn diện, liên tục nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng này để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, bảo vệ an ninh, an toàn sức khỏe cho người dân.

Trong đợt cao điểm này (thực hiện từ 15/5 - 15/6), Phó Thủ tướng yêu cầu, trong ngày 20/5, các Bộ, ngành thành viên của Tổ công tác hoàn thiện, ban hành kế hoạch hành động chi tiết thực hiện đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong ngành, lĩnh vực mình quản lý, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tiến hành kiểm tra ngay khi người dân phản ánh có tình trạng buôn bán, sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, các địa phương phối hợp chặt chẽ, tích cực với các thành viên của Tổ công tác trong đợt cao điểm; không vì việc sáp nhập đơn vị hành chính mà buông lỏng công cuộc đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái.

Nội dung này cũng được Cục trưởng Cục QL&PT TTTN nêu ra trong Kế hoạch số 01/KH-TTTN nhằm giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Cụ thể, kế hoạch yêu cầu các đơn vị tại địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; tạo bước chuyển biến đột phá, gắn với quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, nhằm nâng cao năng lực quản lý và phân định rõ trách nhiệm, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót trong thực thi nhiệm vụ.

Ngoài ra, Cục cũng yêu cầu cần ứng dụng triệt để công nghệ thông tin và số hóa trong quản lý, xây dựng hệ thống thu thập, chia sẻ dữ liệu, thông tin thị trường dùng chung trong toàn lực lượng QLTT và kết nối với các cơ quan chức năng khác nhằm kịp thời nắm bắt, dự báo nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Đồng thời, Cục trưởng Cục QL&PT TTTN cũng yêu cầu cần kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ của công chức do cấp mình quản lý để kịp thời đôn đốc nhiệm vụ được phân công, bảo đảm chất lượng và thời gian quy định; Kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Đọc thêm