“Siêu ủy ban”, hy vọng và băn khoăn

(PLO) -Các bộ, ngành đã và đang thực hiện chuyển giao 19 doanh nghiệp lớn về “siêu ủy ban” - Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Việc thực hiện chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và đối với phần vốn nhà nước tại các DN từ Cơ quan chuyển giao về Ủy ban được quy định tại Nghị định 131/2018/NĐ-CP.
Bàn giao VNPT và MobiFone về 'siêu ủy ban'
Bàn giao VNPT và MobiFone về 'siêu ủy ban'

Gọi là “siêu ủy ban” vì tính đến 31/12/2017, giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DNNN là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.

Chúng ta đang học làm kinh tế thị trường, nhất là thị trường định hướng XHCN – hoàn toàn chưa có tiền lệ trong lịch sử, nên xem ra “mô hình” quản lý cũng hoàn toàn “mò mẫm”. Bằng chứng là cách đây 12 năm Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được thành lập với kỳ vọng hình thành một tổ chức kinh tế để triển khai một trong những chủ trương quan trọng của Đảng về đổi mới phương thức quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại DNNN.

Vậy Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và SCIC giống và khác nhau chỗ nào? Liệu “siêu ủy ban” có phải là “quản lý vốn” của “quản lý vốn”? Đã có “siêu ủy ban” thì SCIC có nên tồn tại? Và khi bàn giao về “siêu ủy ban” không còn chức năng Bộ chủ quản – mục tiêu chúng ta đề ra cách đây hơn 20 năm, “siêu ủy ban” có bị “nhà nước hóa” thành “bộ chủ quản” mới hay không?

Rất nhiều băn khoăn về mô hình. Dư luận xã hội đang theo dõi và kỳ vọng rất lớn vào hoạt động của Ủy ban trong đổi mới tư duy, đổi mới quản trị, cách thức quản lý, cách thức hoạt động của DNNN, làm sao khắc phục cho được các yếu kém, cải thiện và tạo sự khác biệt lớn về hiệu quả hoạt động của DNNN. Kỳ vọng lớn thì băn khoăn cũng lớn.

Băn khoăn không phải là không có cơ sở, bởi nhiệm vụ được giao cho “siêu ủy ban” về cơ bản không khác nhiệm vụ đã giao cho các bộ chủ quản trước đây như: hoàn thiện chiến lược phát triển, tiếp tục công việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa DNNN; thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty nâng cao trình độ công nghệ, năng suất lao động và sức cạnh tranh... Bộ nào trước đây cũng có các Vụ Quản lý DNNN tham mưu cho Bộ trưởng làm việc này.

Có một điều xin lưu ý: thành lập “siêu ủy ban” để quản lý DNNN nhưng các bộ vẫn quản lý nhà nước, ví dụ: thể chế kinh doanh, quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn... DNNN liệu có thêm “một tròng”?

Với việc ra đời “siêu ủy ban” cái được dễ nhận thấy là DNNN tháo được “cổ 5, 6 tròng” như bây giờ là báo cáo nhân sự với Bộ Nội vụ, báo cáo lương với Bộ LĐTB&XH, báo cáo chuyên môn với bộ chủ quản, báo cáo tài chính với Bộ Tài chính hay trình bày chiến lược với Bộ KH&ĐT... Hy vọng “siêu ủy ban” sẽ được thử nghiệm và chứng minh việc ra đời là bước “đột phá” về thể chế, mô hình. 

Đọc thêm