Biển xanh kêu cứu
Sự ô nhiễm biển đang diễn ra ngày một trầm trọng! Đó là khẳng định của nhiều tổ chức, chuyên gia về môi trường trong và ngoài nước.
Tại Việt Nam, từ nhiều năm nay, do rác thải từ các hoạt động của con người, tình trạng ô nhiễm biển được nhận thấy rõ nét. Theo ước tính của các nhà khoa học, 80% lượng rác thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền.
Việt Nam có 112 cửa biển, đây chính là nguồn để rác trôi ra đại dương. Nhiều sinh vật nhầm tưởng rác thải là thức ăn hoặc mắc kẹt giữa các ngư cụ dẫn đến việc sinh cảnh bị phá hủy.
Số liệu từ Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc công bố năm 2018, mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới), đứng thứ 4 thế giới.
Lượng rác thải không lồ ngày ngày từ đất liền đổ ra biển bằng nhiều con đường khác nhau. Nhiều vùng cửa sông ven biển đã bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp, đô thị. Tại nhiều tỉnh ven biển diễn ra tình trạng xả các chất thải chưa qua xử lý hay xử lý chưa đạt quy chuẩn gây thiệt hại lớn về kinh tế, đời sống, sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển và những tổn hại khó lường đối với các hệ sinh thái, sinh vật biển.
Tuy nhiên, tình hình ấy không chỉ diễn ra tại Việt Nam. Trên quy mô lớn hơn, môi trường biển khắp toàn cầu đang bị báo động đỏ. Mối nguy lớn nhất đến từ lượng rác thải nhựa khổng lồ đang ngày đêm trôi nổi trên các dòng đại dương.
Dù những cảnh báo về ô nhiễm rác thải nhựa liên tục được nâng lên mức cao hơn, dù các quốc gia đã và đang nỗ lực giải quyết vấn đề từ rác thải nhựa và tái chế, nhưng về căn cơ, khó lòng mà giải quyết một sớm mooth chiều.
Thực tế, rác thải nhựa đã và đang dần tích tụ trong môi trường biển và đại dương từ những năm 1960, đến mức chúng ta có những núi nhựa khổng lồ trôi nổi trong đại dương và các chất thải nhựa khác đang trôi dạt trên những bãi biển sạch đẹp trên thế giới. Ước tính có khoảng 580.000 mảnh nhựa có kích thước khác nhau trên mỗi km2, với hơn 8 triệu tấn rác thải nhựa đi vào các đại dương mỗi năm.
Lượng nhựa từ rác thải có thể thải ra các hóa chất độc hại thấm vào đất xung quanh, sau đó có thể thấm vào nước ngầm hoặc các nguồn nước xung quanh khác và cả hệ sinh thái của thế giới. Điều này có thể gây hại nghiêm trọng cho các loài uống nước, trong đó có sinh vật biển, sinh vật sống trên mặt đất, bao gồm cả con người.
Các nhà hoạt động môi trường đã đưa ra cảnh báo rằng, rác thải nhựa có thể nhiều hơn cá trên các đại dương vào năm 2050. Trên toàn cầu, ước tính có hơn 100 triệu động vật biển bị giết mỗi năm bởi chất thải nhựa.
|
Nước thải đen ngòm xả ra một vùng biển. |
Trả lại mái nhà cho sinh vật biển
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm môi trường biển trong những năm gần đây đã làm cho nhiều loài sinh vật biển giảm mạnh về số lượng, có loài đã tuyệt chủng cục bộ. Có đến 236 loài thủy sinh quý hiếm bị đe dọa ở cấp độ khác nhau, trong đó, có hơn 70 loài sinh vật biển đã bị liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam.
Nguồn lợi hải sản bị khai thác ngày càng cạn kiệt cả số lượng và chất lượng. Các nguồn cá dự trữ bị suy giảm từ 4 triệu tấn vào năm 1990 xuống còn 3 triệu tấn như hiện nay. Kích thước trung bình của cá và tính đa dạng loài cũng giảm đáng kể.
Điều đau lòng trong các hệ quả của ô nhiễm, phải kể đến sự biến mất của quần thể các loại rùa trong nước. Việt Nam có năm trong số bảy loài rùa của thế giới. Đó là vích, đồi mồi, quản đồng, rùa da, đồi mồi dứa, hiện cả 5 loài đều được đưa vào Sách đỏ Việt Nam. Nhiều loài đã gần như tuyệt chủng.
Trước đây rùa biển được phân bố hầu hết trên các vùng biển của nước ta với mật độ cao. Nhìn vào hộp thông tin về các loài rùa biển, chúng ta có thể thấy hiện nay cả năm loài rùa biển của Việt Nam đều suy giảm đáng kể về số lượng.
Trong suốt thời gian từ năm 2008 đến 2013, chỉ ghi nhận được một cá thể rùa da lên đẻ trên bãi Cát Dài tại huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) và Hải Lăng (Quảng Trị) vào năm 2013. Tại các địa phương khác đã từng có rùa da lên đẻ như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... hoàn toàn không còn dấu vết của rùa da lên bờ làm tổ đẻ trứng.
Mở rộng ra khu vực Đông Nam Á và thế giới, khá nhiều động vật biển có nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều bức ảnh của các nhiếp ảnh gia trên khắp thế giới đã cho thấy tình cảnh thảm khốc của nhiều sinh vật biện trước sự tấn công của rác thải.
Những con cá bị dây nilon quấn quanh thân. Những chú cá con chết trong chiếc chai nước ngọt nhựa. Cá mõm dài bị dây cao su quấn quanh mõm làm chết đói. Rùa biển nuốt phải xốp nhựa đến tắc ruột. Không ít trong số đó đã chết với một lượng lớn nhựa trong dạ dày.
Vào 6/2018, một con cá voi đã được tìm thấy ở bãi biển Songkhla, miền Nam Thái Lan, bị nghẹn đến chết bởi 80 mẩu rác nhựa nặng 8 kg trong bụng. Cùng thời điểm, một con rùa xanh được tìm thấy đã chết ở Chanthaburi, Thái Lan, với những mảnh vụn nhựa từ ngư cụ, dây cao su và các mảnh vụn biển khác trong bụng. Vào năm 2016, một con cá voi Sei và một con cá voi Baleen đã được tìm thấy ở bãi biển ở bang Johor phía Nam Malaysia.
Những bức ảnh, câu chuyện làm rơi nước mắt người xem như một sự đánh động đối lương tri con người: Hãy sống tốt và để các loài sinh vật có “đất sống”. Chính sự vô trách nhiệm, thiếu ý thức và tham lam của loài người đã góp phần dẫn đến sự biến đổi khí hậu, nóng lên của trái đất, sinh vật bị săn lùng, tận diệt.
Đại dương đây đó biến màu, chỉ còn một màu nâu lờ nhờ tiết ra thì rác thải nhựa, nước xả thải… Và đâu chỉ sinh vật biển bị tận diệt bởi loài người? Sinh vật biển chết dần mòn bởi sự ô nhiễm của đại dương làm cuộc sống con người đảo lộn, bị đầu độc, giảm chất lượng sống…
Quay lại câu chuyện ở Việt Nam, để bảo tồn các loài thủy sản đặc hữu, quý, hiếm, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như công tác bảo tồn, tái tạo các loài thủy hải, sản quý hiểm như: Luật Thủy sản năm 2017; Quyết định số 742 năm 2010 về quy hoạch, thiết lập 16 khu bảo tồn biển; Quyết định 1479 năm 2008 về quy hoạch, thiết lập 45 khu bảo tồn thủy sản nội địa; Nghị định số 33/2010 về quản lý hoạt động khai thác thủy sản; Thông tư 19/2018 hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản…
Mới đây nhất là Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017, trong đó có nội dung về quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm…
Tập quán của người dân, từ thói quen sinh hoạt hàng ngày cho đến mưu sinh, đánh bắt bằng ngư nghiệp tồn tại rất nhiều hành vi xấu xí, chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân mà thản nhiên hủy hoại môi trường chung quanh.
Tuy nhiên, song song với những quy định được áp dụng trong cuộc sống, còn cần cả một cuộc “đại phẫu” trong nhận thức người dân. Đó là sự thay đổi nhận thức bằng tuyên truyền thiết thực, sâu sát và hiệu quả. Đó là hành động thực tiễn của những người trẻ khi thực hiện những dự án bảo vệ môi trường, từ nhặt rác bãi biển, đổi rác lấy cây, những dự án thùng rác bãi biển…
Mỗi một thay đổi nhỏ sẽ thành thay đổi lớn. Mỗi người chịu thay đổi tích cực, thì môi trường, thì cuộc sống sẽ tích cực hơn, xanh tươi hơn. Chúng ta có mái nhà lớn để sống, sinh vật cũng thế. Thay đổi và hành động chính là bảo về mái nhà cho con người, cho sinh vật dưới nước và trên bờ.