Sinh viên cần tỉnh táo trước lời khuyến dụ của các Cty đa cấp

(PLO) - Để nâng cao tính cảnh giác cho sinh viên ở các trường đại học, Sở Công thương TP Cần Thơ phối hợp với trường Đại học Tây Đô tổ chức Tọa đàm “Về kinh doanh bán hàng đa cấp”. Tọa đàm thu hút khoảng 500 sinh viên tham dự.
Ông Nguyễn Minh Toại (phía trái) cùng thầy Nguyễn Ngọc Minh giải đáp những khúc mắc của sinh viên tại buổi Tọa đàm.
Ông Nguyễn Minh Toại (phía trái) cùng thầy Nguyễn Ngọc Minh giải đáp những khúc mắc của sinh viên tại buổi Tọa đàm.

Hiện nay các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính diễn ra ngày càng phức tạp, biến tướng dưới nhiều hình thức gây hoang mang trong dư luận. Điều khiến nhiều phụ huynh lo lắng  là đối tượng bọn chúng hướng đến đa phần là học sinh, sinh viên. Với chiêu trò hưởng hoa hồng cao, thu nhập “khủng” cùng với những lời nói hoa mỹ, mật ngọt khiến nhiều người sa bẫy.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương cho biết, để dụ dỗ sinh viên, các đối tượng thường ăn mặc bảnh bao và “tút” vẻ bề ngoài khá bóng bẩy để tạo lòng tin, lôi kéo, dụ dỗ các “con mồi”.

Tại buổi Tọa đàm, nhiều sinh viên đã mạnh dạn bày tỏ thắc mắc về những trường hợp cụ thể mà mình là nạn nhân. Qua đó, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng để nhận diện chiêu trò “lừa bịp”, kịp thời phát hiện những chiêu thức kêu gọi mua hàng, chính sách bán hàng không được đổi trả các Cty đa cấp thường áp dụng. Qua đó, thông tin thêm những quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp.

Em Phan Trọng Nghĩa (Sinh viên năm nhất, trường Đại học Tây Đô) cho biết, qua lời mời dụ, em tham gia bán thực phẩm chức năng của một Cty tại TP Cần Thơ. Để là nhân viên, Cty yêu cầu mua hàng với giá trị 3.000 pivi (tương đương 8 triệu đồng). “Hiện em đang lao đao, khó xử vì hàng mua về bán không được, trả lại cũng không xong. Nếu muốn nghỉ thì phải giới thiệu người khác vào thế chỗ”, em Nghĩa bức xúc kể.

Ông Toại cho biết, bán hàng đa cấp được pháp luật công nhận và cho phép. “Bản chất của bán hàng đa cấp không xấu, chỉ có trường hợp bán không đúng quy định và “biến tướng” mới bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Ông Toại thông tin thêm, theo quy định, Cty bán hàng đa cấp phải đăng ký tại Bộ Công thương. Sau đó phải tiếp tục đăng ký tại Sở Công thương các tỉnh, thành -  nơi Cty đặt trụ sở hoạt động. Tuy nhiên, thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp không đăng ký tại địa phương, hoạt động “chui” nhằm mục đích lừa đảo. Qua đó, Sở đã tiếp nhận 15 lượt phản ánh, tố cáo, khiếu nại về hoạt động đa cấp của doanh nghiệp với số tiền lừa đảo lên đến hàng chục tỷ đồng. “Từ đó, sinh viên cần tỉnh táo trước lời mời kiếm thu nhập “khủng” từ bán hàng đa cấp để tránh tình trạng tiền mất tật mang”, ông Toại nhấn mạnh

Theo số liệu thống kê, năm 2016 cả nước có 67 Cty bán hàng đa cấp hoạt động. Tuy nhiên đến năm 2017, có 30 Cty bị rút giấy phép hoạt động do vi phạm hoặc không đủ điều kiện hoạt động. Điều này minh chứng rằng, các Cty hoạt động bất chính ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên phạm vi cả nước.

TP Cần Thơ, hiện có 27 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh bán hàng đa cấp, với hơn 14.300 người tham gia. Doanh thu bán hàng đa cấp đạt 148 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ cao nhất ở nhóm hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng…

Đọc thêm