Động thái này diễn ra hai tuần sau khi Al Jazeera xuất bản loạt bài điều tra Hồ sơ Síp (The Cyprus Papers), công bố một kho tài liệu bị rò rỉ cho thấy nước này đã bán "hộ chiếu vàng" cho những tên tội phạm bị kết án, những kẻ trốn tránh pháp luật và những người được coi là có nguy cơ tham nhũng cao.
Tổng thống Nicos Anastasiades nói với hãng tin AFP hôm thứ Sáu – 4/9 rằng một ủy ban đặc biệt trước đó đã bắt đầu điều tra 30 người đã mua những hộ chiếu đó để xem có "bất kỳ vi phạm tiêu chí nào của chúng tôi không".
"Có vẻ như 7 người trong số 30 người nói trên có vi phạm và nên bị tước quyền công dân Síp," ông Anastasiades nói mà không tiết lộ danh tính của họ.
Tuy nhiên, vẫn có những câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là hành động thực sự mới của chính quyền Síp hay là sự lặp lại những gì đã được công bố.
Vào cuối năm 2019, chính phủ Síp cho biết 30 người đang bị điều tra và phải đối mặt với việc bị tước quyền công dân. Tên của 9 nhà đầu tư và 16 người thân đã được tiết lộ trong các báo cáo, 5 người còn lại không được nêu tên, nhưng không ai trong số những cái tên đó nằm trong số những người được đăng trong loạt bài Hồ sơ Síp.
Vào tháng 5/2020, Bộ Nội vụ Síp nói với Al Jazeera rằng họ đã "bắt đầu các thủ tục tước quyền" đối với 11 nhà đầu tư và người thân của họ, có nghĩa là thông báo hôm 4/9 về việc chỉ có 7 cá nhân bị tước hộ chiếu cho thấy chính phủ đang hành động ít hơn so với cam kết ban đầu.
Cũng không rõ liệu có ai trong số những người có tên trong Hồ sơ Síp nằm trong số ít người bị mất "hộ chiếu vàng" hay họ có phải là những người có liên quan đến các báo cáo trước đó hay không.
Trong số những người đã mua hộ chiếu Síp, được quyền tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, công việc và đi lại miễn thị thực ở Liên minh châu Âu, có Maleksabet Ebrahimi - công dân Iran bị Interpol truy nã, và Ali Beglov - công dân Nga đang ngồi tù vì tội tống tiền, doanh nhân Trung Quốc Trương Khắc Cường đang thụ án vì lừa đảo cổ phiếu.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AFP, Tổng thống Anastasiades đã bảo vệ chương trình mang lại nguồn thu nhập chính cho đất nước Địa Trung Hải.
Trong khi các cam kết đã được đưa ra vào cuối năm 2019 để thu hồi hộ chiếu của những người có liên quan đến hoạt động tội phạm, thì chỉ đến tháng 7 năm nay, Quốc hội Síp mới thông qua luật cho phép tước quyền công dân có hiệu lực hồi tố.
Bất chấp những thay đổi này, EU vẫn thường xuyên chỉ trích Síp và các nước khác đưa ra các ưu đãi đầu tư tương tự. Sau cuộc điều tra của Al Jazeera, Ủy viên Tư pháp châu Âu Didier Reynders cho biết ông đang xem xét khả năng khởi kiện Síp về kế hoạch đầu tư theo quốc tịch của nước này.
"Sau báo cáo mà bạn đã xuất bản và một số báo cáo khác trong quá khứ, yếu tố đầu tiên là phải có một số cuộc điều tra ở cấp quốc gia từ hệ thống tư pháp", Reynders nói với Al Jazeera, "Nhiệm vụ của hệ thống tư pháp ở Síp là phân tích tình hình và nếu có thể thì nhà chức trách Síp sẽ thu hồi quốc tịch."
Còn Bộ trưởng Nội vụ Síp Nicos Nouris nói với Al Jazeera: "Không có quốc tịch nào được cấp vi phạm các quy định có hiệu lực vào thời điểm nhất định."
Bài điều tra của Đài Al-Jazeera vừa qua cho biết Hồ sơ Cyprus đã thu thập được 1.471 đơn đăng ký đầu tư nhập tịch, có tên của 2.544 người đã nhận được hộ chiếu Cyprus trong giai đoạn từ cuối năm 2017 tới cuối năm 2019.
Để có được hộ chiếu Cyprus, người có nhu cầu sẽ đóng khoảng 2,5 triệu USD và hầu hết dạng đầu tư này sẽ đổ vào lĩnh vực bất động sản.
Có quốc tịch Cyprus đồng nghĩa trở thành công dân Liên minh châu Âu (EU), do Cyprus là thành viên EU từ năm 2004. Việc trở thành công dân EU sẽ giúp người mua hộ chiếu thuận tiện hơn trong di chuyển tự do, làm việc và sử dụng dịch vụ ngân hàng tại EU.