Skyway – công nghệ giao thông tối ưu của thế kỷ 21

(PLVN) - Vừa qua, tại Hà Nội, ông Anatoli Yunitski, Chủ tịch Công ty Công nghệ Skyway - một công ty có trụ sở đặt tại Belarus đã có buổi giới thiệu về một giải pháp giao thông mang tính đột phá của thế kỷ 21 ‘Skyway – công nghệ vận tải đường ray dây trên cao’. Công nghệ này được đánh giá là giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề giao thông đô thị, giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn. 
Giải pháp giao thông mang tính đột phá của thế kỷ 21 ‘Skyway – công nghệ vận tải đường ray dây trên cao’
Giải pháp giao thông mang tính đột phá của thế kỷ 21 ‘Skyway – công nghệ vận tải đường ray dây trên cao’

Chia sẻ tại buổi giới thiệu, ông Anatoli Yunitski – nhà phát minh Hệ thống vận tải địa vũ trụ và đường trên không, cũng như hàng loạt các công trình hạ tầng và vận tải dựa trên công nghệ dây tin tưởng rằng, công nghệ vận tải đường ray dây trên cao này sẽ thay đổi cách mà con người di chuyển cũng như vận tải hàng hóa trong những năm tới.

Được biết, điểm khác biệt của vận tải đường ray dây nằm ở việc thay vì được đặt trên mặt đất, các đường ray sẽ được thiết kế đặc biệt để có thể treo trên không. Bám vào hệ thống đường ray này là các cabin chạy bằng bánh sắt. Các cabin chạy bằng bánh sắt trên ray này được thiết kế đảm bảo tiêu chuẩn khí động học cao, được trang bị cùng với hệ thống chống trượt ray và một hệ thống thông minh về an toàn, điều khiển, cấp điện và thông tin liên lạc.

Theo đó, các cabin có thể được sử dụng để chở theo người hoặc hàng hóa. Đối với vận tải hành khách thì công suất chở khách của các cabin dao động từ 2 - 28 người, tùy theo nhu cầu lắp đặt. Chúng cũng có thể nối lại với nhau để tạo thành một đoàn tàu treo có sức chở từ 84-168 người. Vận tốc mà các cabin đạt được có thể lên tới 120 – 150km/h trong thành phố. Đối với tàu cao tốc của SkyWay với loại cabin chở từ 4-24 người có thể chạy với tốc độ 500km/h ngoài thành phố và đạt năng suất 500.000 người/ngày. Năng suất vận chuyển 2 chiều của SkyWay đạt 720.000 hành khách/ngày.

Đáng chú ý, có thể lắp đặt hai đường ray song song trên dưới để vận chuyển cùng lúc cả đường bên trên cả đường bên dưới nhằm tiết kiệm diện tích xây dựng và chi phí đầu tư cũng như nâng cao năng xuất vận tải. Đồng thời, cũng có thể xây dựng đường ray đôi để chạy song song hai đoàn tàu. 

 

Động cơ của các cabin này sử dụng nhiều loại nhiên liệu và năng lượng khác nhau. Nếu sử dụng điện, chúng có thể được tiếp điện qua 2 cách, bằng đường ray hoặc thông qua ắc quy gắn trên mỗi cabin. Tùy theo nhu cầu, nhà sản xuất có thể cho các cabin nạp điện ngay tại nhà ga mỗi khi đón trả khách. SkyWay còn phát triển một mô hình giúp tạo ra điện trực tiếp trên các cabin bằng những máy phát điện chạy khí hydro.

Theo ông Anatoli Yunitski, công nghệ vận tải đường ray dây cũng giống như các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt hay đường hàng không. Tuy nhiên, công nghệ này cho phép triển khai ở mọi điều kiện địa hình khác nhau, từ khu vực nhiều sông ngòi, đồi núi hay thậm chí là kết nối các công trình trên biển.

“Công nghệ này hiện đã triển khai tại Belarus. Mới đây, một thỏa thuận xây dựng 15km đường ray dây đã được SkyWay ký kết với Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). SkyWay đã có đại diện ủy quyền tại Việt Nam. Việt Nam có thể cân nhắc các lợi ích kinh tế nếu có nhu cầu muốn thử nghiệm loại hình vận tải này”, ông Anatoli Yunitski nói.

Tại buổi giới thiệu, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nhu cầu vận tải của Việt Nam ngày càng tăng, do vậy cần nghiên cứu loại hình vận tải mới hội tụ đầy đủ yếu tố của loại hình giao thông tiên tiến trong thời đại công nghệ 4.0. Công nghệ SkyWay là một gợi ý cho việc ứng dụng triển khai tại Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải đánh giá trên nhiều yếu tố cả về mức độ phù hợp, chất lượng và tài chính.

Đọc thêm