'So bó đũa, chọn cột cờ' 300 hợp tác xã điển hình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với gần 30 nghìn hợp tác xã hiện nay, hàng năm sẽ chọn khoảng 300 hợp tác xã điển hình được để quảng bá, truyền cảm hứng về các cách làm hay.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kinh tế tập thể chưa phát triển như kỳ vọng

Tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) cuối tuần qua, Phó Trưởng ban thường trực Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Đến hết năm 2022, cả nước có gần 30 nghìn HTX (tăng hơn 2 nghìn HTX, tương ứng 7% so với năm 2021), 125 Liên hiệp HTX (tăng 18 Liên hiệp HTX - khoảng 17% so với năm 2021) và 71.000 tổ hợp tác. Các chỉ tiêu về kết quả hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác đều tăng so với năm 2021.

“Trong những năm qua, khu vực KTTT nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động”, Bộ trưởng nhận định. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn khi cho rằng khu vực KTTT của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu đề ra. “Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng và Nhà nước; năng lực nội tại của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế…” - Bộ trưởng đánh giá.

Đặc biệt, trong bối cảnh mới, phong trào HTX còn gặp nhiều khó khăn và thách thức trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường ngày càng khốc liệt; bất ổn chính trị leo thang; biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, phức tạp, khó lường; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra rất nhanh ở khắp cả nước; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi HTX phải có sự thay đổi và chủ động thích ứng…

Nhân rộng các mô hình hay

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung, để khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện và cụ thể hóa toàn diện Nghị quyết 20-NQ/TW, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX sẽ ban hành và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và các chương trình, kế hoạch thực hiện ở các bộ, ngành, tỉnh ủy, thành ủy.

Đặc biệt, Liên quan đến việc hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển KTTT, HTX. Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, Bộ KH&ĐT cần hoàn thiện Dự án Luật HTX (sửa đổi) cũng như chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quyết định 1804/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX; Xây dựng và công bố Sách trắng HTX Việt Nam và tổ chức Diễn đàn kinh tế hợp tác, HTX trong năm nay.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cũng đề xuất việc xây dựng, quảng bá TOP 300 HTX điển hình hàng năm. Đây là cơ sở để các HTX trên cả nước được truyền cảm hứng về các cách làm hay để nâng cao năng lực, thích ứng với những yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ông Trung cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn địa phương triển khai hiệu quả các đề án đã ban hành như: Đề án thí điểm phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ chế biến và tiêu thụ giai đoạn 2021-2025, Đề án phát triển HTX thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các quỹ tín dụng nhân dân xuống 10%, miễn thuế lợi tức vốn góp của thành viên.

Chia sẻ ý tưởng xây dựng, quảng bá TOP 300 HTX điển hình hàng năm, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Thanh Nam cho biết, trong công tác chỉ đạo, điều hành, Bộ NN&PTNT định hướng phát triển HTX gắn với vùng nguyên liệu, chuỗi sản xuất. Thứ trưởng Nam cũng dẫn chứng một số mô hình đã, đang và sẽ cho hiệu quả như: trái cây tại Sơn La, cà phê Tây Nguyên, rừng gỗ lớn tại khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế rừng, hay lúa chất lượng cao ở ĐBSCL…

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, trong nền kinh tế thị trường, HTX chịu nhiều sự cạnh tranh từ khối doanh nghiệp. Tuy nhiên, với đặc thù của ngành, những tiêu chí như doanh thu, quy mô, lợi nhuận không hoàn toàn phù hợp với HTX nông nghiệp. "Số lượng có thể không phản ánh đúng sự phát triển của HTX. Ngành nông nghiệp đang xây dựng những HTX mới theo hướng đa dịch vụ, liên kết theo chuỗi và nâng cao chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm", ông Nam nhấn mạnh, đồng thời cho hay, nhằm nâng cao tính chủ động cho HTX, Bộ NN&PTNT đã phối hợp Bộ LĐ-TB&XH xây dựng và cấp "chứng chỉ nghề" cho giám đốc HTX. Điều này sẽ giúp những người trực tiếp sản xuất có thêm tự tin và tư duy về kinh tế nông nghiệp.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị cần nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù cho KTTT theo tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW để từng bước thể chế thành các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy sự phát triển KTTT trong thời gian tới… Phó Thủ tướng nhấn mạnh, KTTT, HTX là mô hình kinh tế của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, là con đường để đưa nhân dân đến gần hơn với lý tưởng cao đẹp của CNXH. Phát triển mạnh mẽ KTTT, HTX chính là phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đọc thêm