Số ca sốt xuất huyết ở Lâm Đồng đã giảm gần một nửa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - So với thời kỳ đỉnh dịch tháng 7 (849 ca), số ca mắc sốt xuất huyết ở Lâm Đồng đã giảm gần một nửa còn 481 ca.

Thông tin từ Sở Y tế Lâm Đồng, tính đến ngày 6/12 số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên toàn tỉnh là 4277 ca tăng 3814 ca so với cùng kỳ 2021. Trên địa bàn ghi nhận 1 ca bệnh tử vong do SXH tại Thôn 3 (xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai).

Lý giải số ca SXH tăng, ông Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, do dịch có chu kỳ 5 năm/lần. Khi có dịch, ngành y tế tổng vệ sinh môi trường, tập trung các biện pháp diệt lăng quăng bọ gậy thì tỷ lệ muỗi và tác nhân gây bệnh SXH giảm. Sau đó, dịch bệnh khác tăng thì người dân lơ là, tác nhân gây bệnh lại tăng lên thành các ổ dịch và phát triển thành dịch.

Tại Lâm Đồng, số ca mắc chủ yếu ở Bảo Lộc, Lâm Hà, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Đạ Huoai là những vùng thấp, nóng. Ngoài ra, người dân có thói quen đựng nước ở lu, chậu hoa, chậu cảnh là những nơi lý tưởng để lăng quăng phát triển.

Năm nay, xác định tình hình chung của cả nước là chu kỳ dịch SXH; diễn biến thực tế của tất cả các tỉnh, thành và tỷ lệ mắc tăng cao so với cùng kỳ nên Sở Y tế Lâm Đồng đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuyên truyền. Bên cạnh đó, Sở còn chuẩn bị đầy đủ thuốc men, vật dụng, nhân lực đến khi phát hiện những nơi có ổ dịch là triển khai thực hiện các biện pháp khử khuẩn, xử lý môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt, tuyên truyền cho người dân khi có các dấu hiệu nghi ngờ không được tự ý mua thuốc điều trị mà phải đến ngay cơ sở y tế sớm nhất để giảm tỷ lệ tử vong.

Ông Trịnh Văn Quyết- Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng thông tin về dịch SXH trên địa bàn.

Ông Trịnh Văn Quyết- Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng thông tin về dịch SXH trên địa bàn.

“So với mọi năm, khó khăn cho công tác chống dịch SXH là nhiễm SXH cùng với nhiễm COVID-19. Có trường hợp có triệu chứng bệnh SXH nhưng người dân không hiểu lại nhầm lẫn là COVID- 19 nên Sở Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn phòng chống, phân biệt bệnh COVID-19 với SXH. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh cũng như ngày y tế Lâm Đồng là không để “dịch chồng dịch”, ông Quyết cho biết.

Đồng thời, sự chủ quan, thiếu tinh thần tự giác cũng như việc không duy trì thường xuyên các hoạt động phòng chống bệnh SXH tại gia đình, cộng đồng của không ít người dân hiện đang được xem là một trong những trở lực lớn trong công tác phòng chống bệnh SXH trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Lâm Đồng có nhiều hộ nuôi tằm nên việc phun hoá chất còn gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng tới tằm và kén. Bên cạnh đó, nhân lực ngành y tế mỏng, đặc biệt là cán bộ y tế tuyến cơ sở phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc: vừa thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh, vừa thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19, công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19, công tác tiêm chủng thường quy, công tác khám bệnh, chữa bệnh….

Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng tình hình dịch SXH tại Lâm Đồng hiện đã giảm rõ rệt. Cụ thể, thời điểm tháng 7 đỉnh dịch Lâm Đồng ghi nhận 849 ca/tháng; đến tháng 11 số ca mắc còn 481 ca/tháng. Hiện Lâm Đồng đã qua đỉnh dịch SXH.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, tính đến hết ngày 6/12, số ổ dịch được phát hiện và xử lý tại Lâm Đồng là 1689/1702, đạt 99,2%, còn một số ổ dịch có yếu tổ dịch tễ từ nơi khác nên chỉ ghi nhận và không xử lý.

Có được kết quả trên, theo ông Quyết là nhờ quan tâm của tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo về đường lối, ngoài ra còn có sự quan tâm của Cục Y tế dự phòng, Viện Paster TP HCM giám sát các chỉ số huyết thanh nên kịp thời xử lý dịch.

Đọc thêm