Sơ hở trong tuyển phi công, Vietnam Airlines bị lừa

Liên quan đến “Nghi án” phi công không biết … hạ cánh” mà PLVN đã phản ánh, kết luận thanh tra tại Tcty Hàng không Việt Nam (VNA) của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, phi công Kim Tae Hun vào làm việc cho VNA trong khi không đủ tiêu chuẩn bay khai thác thương mại đối với loại máy bay Airbus 320 (A320)

Liên quan đến “Nghi án” phi công không biết … hạ cánh” mà PLVN đã phản ánh, kết luận thanh tra tại Tcty Hàng không Việt Nam (VNA) của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, phi công Kim Tae Hun vào làm việc cho VNA trong khi không đủ tiêu chuẩn bay khai thác thương mại đối với loại máy bay Airbus 320 (A320).

Ảnh minh họa

Theo đó, việc thực hiện thuê phi công thường được tiến hành theo hình thức thuê gấp, tức là chỉ thông qua một công ty cung cấp nguồn nhân lực (công ty môi giới) đã ký hợp đồng từ trước, thay vì gửi yêu cầu cho 5 công ty để lựa chọn theo hình thức tuyển dụng thông thường.

Cục Hàng không Việt Nam nhận định, trong hợp đồng hỗ trợ khai thác ký với công ty môi giới, VNA thiếu các quy định về trách nhiệm của đối tác cung ứng trong việc kiểm tra và bảo đảm tính hợp pháp, xác thực của lý lịch tự thuật, lý lịch tư pháp, giấy phép, chứng chỉ và giấy tờ liên quan đến phi công nước ngoài do các cơ quan, tổ chức cấp. Trong khi đó, Ban An toàn chất lượng và An ninh của VNA - đơn vị “kiểm soát” về chất lượng phi công đã không tham gia vào việc kiểm tra hồ sơ đầu vào của phi công nước ngoài khi tuyển dụng.

Việc sở hở trong công tác kiểm tra, đánh giá hồ sơ tuyển dụng phi công đã khiến ông Kim Tae Hun “lừa đảo” được VNA, vào làm việc cho hãng trong khi không đủ tiêu chuẩn bay khai thác thương mại đối với loại máy bay A320.

Trong khi đó, giải trình của VNA nói rằng, hãng đã đối chiếu toàn bộ giấy phép, tài liệu trong hồ sơ của ông Kim trước khi đề nghị Cục Hàng không Việt Nam làm thủ tục cấp giấy phép lái máy bay. Tuy nhiên, các giấy tờ của ông Kim là giả mạo và ông này đã tự ý bỏ việc sau khi được VNA chấp nhận cho nghỉ phép về Indonesia bổ sung giấy tờ chứng minh giờ bay thực tế.

VNA cũng đã yêu cầu đơn vị môi giới đã kiểm tra, đối chiếu với bản gốc của giấy phép và năng định, nhật ký tổ bay của phi công Kim theo quy trình tuyển chọn phi công của mình. Đồng thời, gọi điện thoại đến bộ phận khai thác của hãng hàng không Batavia theo số điện thoại ghi trên văn bản xác nhận giờ bay của phi công Kim để kiểm tra tính xác thực của văn bản này và đã được xác nhận. Kết quả giao dịch bằng email với bộ phận trên cho thấy, công ty môi giới được trả lời là Batavia không còn lưu giữ hồ sơ của phi công Kim.

Trong khi đó, theo trả lời của Giám đốc quan hệ công chúng (PR) của Batavia với Cục Hàng không Việt Nam, thì đơn vị này xác nhận  Batavia chưa bao giờ ban hành xác nhận về thời gian bay cho phi công Kim Tae Hun, lái phụ trên tàu bay A320. Theo đó, Kim Tae Hun chỉ có một khoá huấn luyện buồng lái giả định A320 tại Batavia, bay lái phụ trên tàu bay B737, với số giờ bay gần 200 giờ cho Batavia, chưa bao giờ bay trên tàu  bay A320 cho Batavi!

Kết luận thanh tra của Cục hàng không Việt Nam nhận định, hành vi của Kim dẫn đến 2 vi phạm là ông Kim không có đủ giờ bay tích lũy trên tàu bay A320 theo QCHK-KT1.945 (100 giờ hoặc 40 chặng bay có người kèm) để được làm nhiệm vụ bay khai thác thương mại; và ông Kim không tuân thủ chính sách về thuê phi công nước ngoài theo Quyết định 1120/QĐ-TCTHK-TCCB của VNA (phi công nước ngoài chuyển đổi nhà khai thác phải có giờ bay tích lũy trên loại tàu bay đó tối thiểu là 500 giờ). 

Theo đó, kết luận này khẳng định ông Kim Tae Hun gian dối và giả mạo giấy tờ chứng nhận thời gian bay trên loại máy bay A320/321 mà VNA tuyển dụng làm phi công trên loại máy bay này.

Như Trang

Đọc thêm