Sử dụng công nghệ 3D dựng mô hình và chống trộm tượng Phật
Trên thế giới, việc nghiên cứu phục dựng phế tích kiến trúc cổ bằng công nghệ 3D dựa trên kết quả nghiên cứu khảo cổ học đã được thực hiện khá phổ biến. Nhờ công nghệ 3D, 3 mô hình tượng Phật ở hang đá Vân Cương, một Di sản Văn hoá Thế giới 1.500 năm tuổi được UNESCO công nhận, đang trưng bày tại thành phố Thanh Đảo (Trung Quốc).
Bức tượng ở giữa cao 10 mét, trong khi những bức bên cạnh cao 6 mét. Zhang Zhuo, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Hang đá Vân Cương, cho biết: “Thật khó tin rằng chúng được sao chép”. Các nhà nghiên cứu chế tạo các mô hình 3D cho 3 bức tượng, sau đó sử dụng máy in 3D để tái sản xuất.
“Màu sắc đầu tiên được sơn tự động, sau đó các nghệ sĩ từ Vân Cương đã thêm màu sắc chi tiết”- ông Diao Changyu, Viện Di sản Văn hóa tại Đại học Chiết Giang nói. Hang đá Vân Cương ở thành phố Đại Đồng tự hào với 51.000 hình ảnh Phật giáo trong các hang động kéo dài 1 km dọc theo vách đá. Nơi đây được liệt kê vào Di sản Văn hoá Thế giới của UNESCO vào năm 2001.
Nhật Bản lại sử dụng công nghệ 3D chống trộm tượng Phật. 160 bức tượng Phật đã bị đánh cắp ở Wakayama, Nhật Bản trong hai năm 2010 và 2011. Từ năm 2007-2009, Cục các vấn đề văn hóa Nhật Bản đã thống kê được 105 vụ trộm các hiện vật lịch sử. Kể từ đó, họ đã có sự quan tâm hơn trong việc chế tác các phiên bản 3D để thay thế cho các nguyên bản.
Vào năm 2015, 7 học viên Nhật của khóa thiết kế công nghiệp thuộc trường Trung cấp Kỹ thuật Wakayama đã thiết kế bản sao tượng Phật đầu tiên của mình: một phiên bản ảo của bức tượng Aizen Myoo. Họ đã mất sáu tháng để hoàn thành bản sao này. Cho đến nay, trường Trung cấp Kỹ thuật Wakayama đã sản xuất hàng chục bản sao các bức tượng nhằm chống lại việc trộm các bức tượng nguyên bản có niên đại hàng trăm năm ở các ngôi chùa Phật giáo tại nước này.
Quá trình chế tác bản sao một bức tượng bắt đầu bằng việc tạo ra các bản scan 3D bức tượng thật. Nhiều chi tiết nhỏ không thể bao quát bằng phương pháp scan - như kẽ hở ở giữa các ngón tay hoặc các vết nhăn trên y phục - đã được các học viên nhập vào sau quá trình quan sát cẩn thận. Dữ liệu kết hợp sau đó được sử dụng để in ra các mô hình 3D.
Sau đó, các sinh viên hội họa tại Khoa Giáo dục thuộc Đại học Wakayama hoàn thành các bản sao bằng cách sơn vẽ chúng cho tương đồng với các phiên bản thật. Còn các pho tượng Phật nguyên bản, các ngôi chùa có thể giao cho Bảo tàng quận Wakayama cất giữ.
3D “hút hồn” di sản Việt
Nhân ngày Di sản Thế giới 18/4/2019, Google Arts and Culture công bố sẽ mở rộng dự án “Di sản Mở” bằng việc bổ sung thêm một bộ sưu tập những câu chuyện về những di tích đang có nguy cơ biến mất trên toàn thế giới. Đáng chú ý trong đó có phiên bản số hóa 3D Lăng Tự Đức.
Google cho biết, cùng với CyArk, Tổ chức Lịch sử Môi trường Scotland & Đại học Nam Florida, Google Arts and Culture trưng bày 30 di tích mới từ 13 quốc gia, bao gồm Đài tưởng niệm Tổng thống Thomas Jefferson Mỹ, Nhà thờ Chính tòa Mexico City, Đền thờ thần Apollo Hy Lạp và Lăng Tự Đức Việt Nam. Đây là di sản Việt Nam đầu tiên có mặt trong dự án Di sản Mở do Google phối hợp cùng CyArk thực hiện.
|
Một số di sản chùa - đình Việt được bảo tồn nguyên trạng trong môi trường số |
Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng) là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn. Lăng tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế).
Theo trang web di sản Huế, khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức (1848 - 1883) lấy tên Vạn Niên Cơ đặt cho công trình nhưng sau khởi nghĩa Chày Vôi do anh em Đoàn Hữu Trưng khởi xướng, vua cho đổi tên thành Khiêm Cung, sau khi vua mất gọi là Khiêm Lăng.
Được biết, câu chuyện về việc đưa Lăng Tự Đức vào thư viện Di sản Mở bắt đầu từ mùa hè năm 2018 khi CyArk phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế để số hóa điện Hòa Khiêm, văn bia Lăng Tự Đức và lăng Hoàng Hậu Lệ Thiên Anh, đưa ra các mô hình 3D và các bản vẽ kiến trúc nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn và lưu trữ.
Ngoài những hình ảnh di tích được quay, chụp từ bên trong và bên ngoài lẫn trên cao từ flycam, đội ngũ chuyên gia còn dùng cả máy quét laser cùng tái hiện chính xác hơn các khắc họa bề mặt cũng như các chi tiết toàn cảnh khuôn viên, trong và ngoài khu Lăng và điện với video cũng như ảnh 360-độ.
Trước đó, đình Tiền Lệ (xã Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội) nằm sát nội đô nhưng “xưa cũ như trong cổ tích”, là di tích đầu tiên được lưu giữ, trưng bày nguyên trạng bằng công nghệ tương tác 3D. Đặc biệt hơn, tác giả của công trình này là Nguyễn Trí Quang thuộc thế hệ 9x, từng được những người yêu di sản biết tới với Bảo tàng linh vật ảo 3D, giúp quảng bá linh vật Việt.
Để thực hiện công trình “ảo” này, Quang mất hơn 2 năm thử nghiệm và 4 tháng gấp rút thi công, nhiều lần tưởng như bỏ cuộc. Với hàng chục nghìn điểm đặt máy, đưa lại hình ảnh trọn vẹn ngôi đình ở nhiều góc cạnh: Nhìn từ trên cao xuống, từ dưới thấp lên, xem bản rập, mặt cắt ngang, cắt dọc...
Công trình giúp lưu giữ nguyên trạng, tạo ra “bảo hiểm” về kỹ thuật cho di tích giá trị này. Xem công trình 3D đình Tiền Lệ, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Bình vui mừng chia sẻ: “Tôi từng nghiên cứu nhiều di tích và nhiều khi vất vả đo đạc, chụp ảnh, rồi sau đó cũng không thể có cái nhìn tổng thể về di tích. Do vậy, bảo tồn nguyên trạng trong môi trường số rất có ý nghĩa”.
3D hóa di tích được sự quan tâm của các nhà quản lý bởi nó đem lại lợi ích ở rất nhiều mặt. Các di sản Việt như: chùa, đình từ nay sẽ trường tồn trong không gian 3D. Người quản lý, tu bổ sẽ luôn có một tham chiếu chính xác với đầy đủ màu sắc, kích thước, mặt cắt ngay cả khi di tích thực đã hạ giải.
Những sai lệch, biến dạng khi sửa chữa, trùng tu sẽ dễ dàng được phát hiện và điều chỉnh... Người nghiên cứu thỏa thích bóc tách, đo vẽ cấu kiện, xem bản dập của cả khu di tích. Những bản sao 3D chất lượng cao như tòa đình này còn là sự phòng ngừa cho các di sản quí trước cuộc sống biến động, là hàng rào kỹ thuật ngăn trùng tu ẩu...
Số hóa 3D toàn diện, lưu giữ hiện trạng, tạo ra bảo hiểm về kỹ thuật cho các di tích lớn”! Đặc biệt là số hóa 3D là bước tiến mới, sẽ giúp nhà quản lý kiểm soát được sự hư hỏng, xuống cấp của các di tích một cách chi tiết; bảo đảm độ chính xác trong tu bổ, tôn tạo.
Bên cạnh đó, việc số hóa di tích còn phục vụ công tác thăm quan, giới thiệu di tích tới nhiều du khách trong và ngoài nước. Hiện nay đa số nhiều người, đặc biệt là giới trẻ thường không còn thích đi thăm các di tích lịch sử vì vô vàn những lý do khác nhau. Số hóa di sản với công nghệ 3D xuất hiện như một điều thần kỳ xóa bỏ hết mối lo ngại này.
Không chỉ sở hữu những ưu điểm vượt trội bên cạnh đó số hóa di sản với công nghệ 3D còn tác động không nhỏ đến sự tương tác giữa con người với các di tích lịch sử dân tộc. Số hóa 3D di sản là cầu nối loại bỏ mọi giới hạn để các bạn trẻ có thể khám phá các địa điểm trên khắp đất nước.
Đây là một sự thay đổi cách tiếp cận các di sản trong thời đại kỹ thuật số; Là nguồn tài liệu quý giá bảo tồn trong tương lai; Là một phương tiện giúp cho các du khách nước ngoài có thể tham khảo trước khi đến du lịch.
Hiện, tại Việt Nam, một số di tích đã áp dụng công nghệ 3D như: Chùa Ba Vàng; phố cổ Hội An; Văn Miếu Quốc Tử Giám; chùa Bái Đính…