Sở hữu thú nuôi ở Mỹ kèm theo nghĩa vụ pháp lý nghiêm ngặt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sở hữu thú nuôi ở nhiều quốc gia trên thế giới đồng nghĩa với việc phải thực hiện các nghĩa vụ pháp lý đi kèm theo pháp luật quy định. Ví dụ điển hình là Mỹ - quốc gia đã ban hành những đạo luật khắt khe về quản lý thú nuôi, để kiểm soát mối nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng cộng đồng hoặc các vấn đề vệ sinh an toàn, an ninh trật tự khác.
Luật Mỹ quy định chặt chẽ về việc kiểm soát hành vi chó cắn người. (Ảnh: World Animal Foundation)
Luật Mỹ quy định chặt chẽ về việc kiểm soát hành vi chó cắn người. (Ảnh: World Animal Foundation)

Chủ thú nuôi bắt buộc phải biết luật

Các chủ sở hữu thú nuôi tại Mỹ, chủ yếu là chủ sở hữu chó và mèo, có trách nhiệm phải biết và tuân thủ bất kỳ quy định pháp luật nào liên quan đến thú cưng của mình để tuân thủ đúng luật. Tuy nhiên, hệ thống luật pháp ở nước này rất phức tạp, thậm chí mỗi tiểu bang, khu vực, thành phố, địa phương lại có những quy định cụ thể khác nhau, không phải tất cả những chủ thú nuôi đều có thể cập nhật các điều luật hiện hành nhất, dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm pháp luật mà không hề hay biết.

Để khắc phục điều này, các quy định, quy tắc chung về quản lý thú nuôi trong mỗi khu vực đều được phổ cập trực tuyến và trực tiếp theo nhiều hình thức khác nhau để tạo điều kiện cho chủ thú nuôi dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu. Những phương pháp đơn giản nhất là liên hệ toà thị chính địa phương hoặc văn phòng thị trấn hay nhân viên kiểm soát động vật tuần tra khu vực nơi người đó sống, chủ thú nuôi có thể tiếp cận được tất cả các thông tin cần thiết, quy định pháp luật liên quan về quản lý thú nuôi của mình.

Đối với người thuê nhà thì chính chủ nhà thường là người phổ cập các quy định cho chủ thú nuôi biết trước khi họ chuyển vào sinh sống. Điều đáng nói là người dân Mỹ cũng có ý thức pháp luật rất cao nên họ thường chủ động tìm hiểu và làm quen với các quy định, quy tắc tại khu vực sinh sống của mình để tránh những tai nạn, sự phiền phức ngoài mong muốn.

Nhìn chung, các chủ sở hữu thú nuôi tại Mỹ phải chủ động tuân thủ các quy định về tiêm chủng, xử lý chất thải, đăng ký giấy phép và kiểm soát các hành vi nguy hiểm của thú nuôi đối với cộng đồng. Trước hết, về tiêm chủng, luật tiêm chủng ở tiểu bang Texas nêu rõ “yêu cầu chó và mèo phải được tiêm phòng bệnh dại trước 4 tháng tuổi”. Hầu hết các tiểu bang hoặc thành phố tại Mỹ đều có yêu cầu đối với vaccine bệnh dại bắt buộc cho chó. Yêu cầu này được áp dụng vì sự an toàn của con người, vì bệnh dại gây ra nguy cơ tử vong rất cao.

Ngoài ra, một số tiểu bang có quy định về miễn trừ tiêm phòng bệnh dại khi bác sĩ thú y cho rằng việc tiêm phòng có thể gây rủi ro y tế cho một chú chó nhất định. Nếu các chủ nuôi chó không thực hiện tiêm phòng các loại vaccine bắt buộc theo luật định có thể dẫn đến một loạt hình phạt bao gồm phạt tiền, tịch thu chó hoặc thậm chí ngồi tù.

Tiếp theo là các quy định về chất thải vật nuôi, phần lớn các thành phố ở Mỹ đều áp dụng quy định chủ sở hữu chó bắt buộc phải thu gom và xử lý chất thải của chó một cách vệ sinh tại bất kỳ nơi nào trừ tài sản của chủ nuôi. Đơn cử, theo luật môi trường của thành phố Seattle (bang Washington) đưa ra những quy định nghiêm ngặt như: hành vi để mặc phân vật nuôi dồn tụ, chất đống là vi phạm dân sự, bị phạt 109 USD; hành vi không dọn phân khỏi tài sản của người khác là vi phạm dân sự, phạt 54 USD; không có thiết bị dọn phân là vi phạm dân sự, phạt 54 USD; để mặc động vật trong điều kiện mất vệ sinh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội ngược đãi động vật, mức phạt tiền tối đa 1.000 USD; không mang thiết bị dọn phân hoặc không vứt phân vào thùng rác quy định tại các công viên là vi phạm dân sự, phạt tối đa 54 USD;…

Những quy định khắt khe này tồn tại không chỉ với mục đích giữ vệ sinh cho các thành phố mà còn giúp ngăn chặn sự lây lan bệnh tật giữa những chú chó, cũng như giữa chó và người. Dù một số thành phố có quy định miễn trừ trách nhiệm thu gom chất thải vật nuôi với những người chủ sở hữu chó công vụ, tuy nhiên lệnh miễn trừ này thường không phổ biến và bị dư luận chỉ trích rất nhiều. Trong một xã hội có ý thức tuân thủ pháp luật cao về việc bảo vệ môi trường, sức khoẻ của người và thú nuôi thì ngay cả khi không có luật, phần lớn chủ nuôi cũng có ý thức tự giác dọn dẹp phân thải của vật nuôi khi dắt chúng đi dạo ở các nơi công cộng để giữ cho khu phố và môi trường sạch sẽ.

Chủ thú nuôi ở Mỹ phải tuân thủ nhiều quy định khắt khe. (Ảnh: Getty)

Chủ thú nuôi ở Mỹ phải tuân thủ nhiều quy định khắt khe. (Ảnh: Getty)

Ở hầu hết mọi thành phố ở Mỹ, chủ sở hữu chó phải mua giấy phép cho thú cưng của họ hàng năm, mặc dù cũng có một số địa điểm cung cấp giấy phép trọn đời. Các cơ sở này cũng cung cấp cho mỗi chú chó một chiếc thẻ đi kèm với giấy phép hợp lệ được gắn trên cổ mỗi chú chó. Những chiếc thẻ này sẽ phát huy tác dụng trong trường hợp chú chó bị lạc và được các nhân viên kiểm soát động vật nhặt được, họ sẽ đem chúng trả lại cho chủ nuôi.

Thông thường, chính quyền thành phố hoặc quận có thẩm quyền cấp giấy phép cho chó. Để một chú chó ra đường mà không có giấy phép có thể khiến chủ nuôi đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó bao gồm cả rủi ro pháp lý. Ví dụ, quy định của Bộ Nông nghiệp tiểu bang Pennsylvania về việc cấp phép cho chó như sau: “Tất cả những chú chó từ ba tháng tuổi trở lên phải được cấp phép trước ngày 1 tháng Giêng hàng năm. Những người vi phạm có thể bị phạt tối đa 300 USD cho mỗi lần vi phạm cộng với án phí.”

Như vậy, chủ sở hữu chó có thể bị phạt tiền khi bị cơ quan chức năng kiểm tra mà không có giấy phép nuôi chó. Ngoài ra, khi chú chó không được cấp phép bị lạc, nhân viên kiểm soát động vật sẽ khó thể xác định được chủ nuôi, chú chó này có thể đối mặt với rủi ro bị thiếu thức ăn, thiếu sự chăm sóc phù hợp, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Quy định khắt khe về chó tấn công người

Hầu hết các thành phố ở Mỹ đều áp dụng luật “thú cưng trên dây xích” (Pets on Leashes Law), tức là việc những chú chó đi dạo cùng chủ ở những khu vực công cộng, ngoại trừ những khu vực được chỉ định (ví như công viên cho chó), phải luôn được xích và kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm sự an toàn của người dân và thú nuôi. Một số nơi còn quy định cụ thể về tiêu chuẩn dây xích cho thú nuôi, chủ yếu là chó.

Bên cạnh đó, có một số biến thể của luật “thú cưng trên dây xích” ở những nơi khác trên nước Mỹ, ví như quy định chó phải xích vào những thời điểm nhất định trong ngày hoặc chủ sở hữu chó có thể thả rông chó nếu chúng được kiểm soát hoàn toàn. Việc không xích chó trong khu vực yêu cầu phải xích chó có thể khiến chủ thú nuôi phải trả một khoản tiền phạt, tuỳ theo quy định mỗi địa phương.

Điều đáng chú ý hơn hết đối với mọi chủ nuôi chó là các đạo luật về “chó cắn” (Dog-bite Statute) bởi các đạo luật này quy định cụ thể về trách nhiệm pháp lý mà chủ nuôi phải chịu đối với thương tích do chó của họ gây ra. Tuy nhiên, các quy định của đạo luật Dog-bite chỉ được dẫn chiếu trong trường hợp người bị thương không khiêu khích chú chó đó hay những hành động khiến chó bị kích động và dẫn đến hành vi tấn công người. Ngoài ra, đạo luật chó cắn không chỉ đề cập đến các vụ chó cắn người mà có quy định về các loại thương tích khác do chó gây ra.

Trong trường hợp hành vi tấn công của chó gây ra những loại thương tích khác thì quy tắc “Một lần cắn” (One-bite Rule) được áp dụng thay thế. Thông thường, các tiểu bang không ban hành đạo luật cứng về hành vi tấn công người của chó thì vẫn có thể áp dụng quy tắc mềm “One-bite” để truy cứu trách nhiệm của chủ thú nuôi.

Chó ở các nơi công cộng phải được xích hoặc kiểm soát theo luật định. (Ảnh: World Animal Foundation)

Chó ở các nơi công cộng phải được xích hoặc kiểm soát theo luật định. (Ảnh: World Animal Foundation)

Các tiểu bang có quy định nghiêm ngặt về trách nhiệm pháp lý do chó cắn bao gồm: Alabama, Arizona, California, Colorado, Connecticut, Delaware, Florida, Illinois, Indiana, Iowa, Kentucky, Louisiana, Maine, Maryland, Massachusetts, Michigan, Minnesota, Missouri, Montana, Nebraska, New Hampshire, New Jersey, Ohio, Oklahoma, Pennsylvania, Rhode Island, South Carolina, Utah, Washington, West Virginia và Wisconsin.

Ngoài ra, một số tiểu bang như Georgia, Hawaii, Bắc Carolina và Tennessee và Đặc khu Columbia, thậm chí có đưa ra những quy định nghiêm khắc hơn về trách nhiệm của chủ nuôi. Các quy định của đạo luật Dog-bite được dẫn chiếu trong cả những trường hợp như khi con chó không được xích hoặc thả rông, chủ sở hữu sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ vấn đề cắn nào.

Còn quy tắc “One-bite” quy định rằng nếu chủ sở hữu chó biết hoặc có lý do để tin rằng chú chó của họ có thể gây ra vết thương như vậy, thì họ phải chịu trách nhiệm về những vết thương do chú chó của mình gây ra. Tuy nhiên, quy tắc “One-bite” có thể bị phản đối nếu nạn nhân bị cắn được phản chứng là đã khiêu khích chú chó hoặc nếu họ tự để bản thân bị chó cắn một cách cố ý hoặc tự nguyện. Các tiểu bang hiện có quy tắc “One-bite” bao gồm Alaska, Arkansas, Colorado, Georgia, Idaho, Kansas, Mississippi, Nevada, New Mexico, New York, North Carolina, North Dakota, Oregon, South Dakota, Texas, Vermont, Virginia và Wyoming.

Đọc thêm