Số liệu “ảo” khiến chính sách khó bền vững

(PLO) - “Số liệu thống kê được điều chỉnh theo ý chí chủ quan, được công bố theo mục đích nên không thống nhất, nếu ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức thì ai chịu trách nhiệm?”. Đây là vấn đề được đại biểu Quốc hội đề nghị phải quyết được trong Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) tại phiên thảo luận sáng qua (4/11). 
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi phát biểu tại nghị trường
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi phát biểu tại nghị trường
“Vênh” cả trong và ngoài nước
Đề cập đến “độ vênh” giữa các số liệu thống kê, đại biểu Quốc hội (ĐB) đề nghị giải thích về sự chênh lệch lớn số liệu thống kê xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2014 khi số liệu xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhập khẩu của Trung Quốc 5 tỷ USD, số liệu nhập khẩu của Việt Nam thấp hơn xuất khẩu của Trung Quốc 20 tỷ USD.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2014 có sự chênh lệch lớn số liệu thống kê xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc là do phương pháp thống kê (bao gồm: sự khác biệt về tiêu chí thống kê, phạm vi hàng hóa đưa vào thống kê; xác định giá trị thống kê khác nhau, sự lẫn lộn giữa hàng hóa và dịch vụ xuất nhập khẩu trong thống kê), cũng như tình hình buôn lậu, gian lận thương mại. 
Ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, để làm rõ số chênh lệch do các nguyên nhân khác nhau đòi hỏi các nước phải phối hợp rà soát trong khoảng thời gian nhất định. Thời gian đối chiếu số liệu chênh lệch về xuất, nhập khẩu giữa EU và Trung Quốc là 4 năm, Mỹ và Trung Quốc là 2 năm. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo các ngành hữu quan phối hợp với nước bạn tìm nguyên nhân cụ thể và sớm khắc phục số liệu chênh lệch lớn này.
Không chỉ “vênh” với số liệu thống kê nước ngoài, trong thời gian qua có sự chênh lệch số liệu thống kê giữa Tổng cục Thống kê với bộ, ngành và giữa Trung ương với địa phương khiến dư luận thiếu niềm tin vào thông tin thống kê. 
Lý giải nguyên nhân, ông Giàu nêu vì chưa quy định chặt chẽ về nội dung, phương pháp tính, nguồn số liệu của các chỉ tiêu thống kê; thiếu các quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp, sản xuất, sử dụng thông tin thống kê; thẩm quyền điều phối của cơ quan thống kê trung ương; về ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông, cùng với việc thực thi luật chưa nghiêm, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh.
Không mật cũng khó tìm
Là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, vừa là Trưởng nhóm đối thoại với Mỹ về chất độc da cam, dioxin nhưng chính ĐB Hà Huy Thông (Thừa Thiên Huế) cũng khó khăn khi muốn tìm số liệu về người khuyết tật, số liệu về nạn nhân chất độc da cam, ngân sách nhà nước dành cho người khuyết tật… dù đó là những vấn đề đang cần sự đồng thuận của quốc tế trong cuộc đấu tranh bảo vệ nạn nhân chất độc da cam, dioxin.
Do vậy, ĐB Thông đề nghị cần xem trong 117 chỉ tiêu báo cáo của Liên Hợp quốc vừa công bố, hệ thống chỉ tiêu của Việt Nam đã có đủ hay chưa để hài hòa lại, đáp ứng được mục tiêu hội nhập toàn cầu.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, ĐB Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, những số liệu thống kê “ảo” khiến các chính sách được hoạch định dựa trên các số liệu sẽ bị tác động bởi yếu tố khách quan. “Vai trò của thống kê rất quan trọng. Nó phản ánh toàn bộ thực trạng của nền kinh tế, mà nếu thống kê không đúng thì chúng ta không hoạch định được chính sách” - ĐB này nói.
Theo ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai), để đảm bảo tính chính xác của thông tin thống kê, cần có quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm pháp lý, quyền hạn của hệ thống và con người làm thống kê. Thậm chí, ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) đề cập đến việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm sai lệch số liệu thống kê, không cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho hoạt động thống kê…
“Số liệu chưa chính xác chứ không méo mó”
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định như vậy khi thực hiện trách nhiệm của một ĐB tỉnh Lai Châu góp ý vào Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi).
“Số liệu thống kê hiện chưa chính xác nhưng không đến nỗi méo mó. Tôi là Bộ trưởng, không có yêu cầu nào có thể làm méo mó số liệu. Số liệu từ các bộ, ngành thống kê rồi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, phân tích, đánh giá và trình Chính phủ. Nếu nghi ngờ có “đạo diễn” thì khổ cho anh em” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vấn đề khiến ông Vinh băn khoăn là chất lượng thông tin “đầu vào” cho công tác thống kê. Vì “chính chúng ta ở đây (hội trường Quốc hội – PV) cũng chưa chắc kê khai đúng đâu, nói gì đến nhân dân” nên đề nghị xem xét xử phạt hành chính nếu kê khai sai như kinh nghiệm ở một số nước để đảm bảo chất lượng thông tin thống kê.

Đọc thêm