“Thắt lưng buộc bụng” để kiềm chế nợ công

(PLO) - Từ lo ngại của cử tri về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, tại phiên thảo luận chiều qua (3/11), đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ có giải pháp tiết kiệm chi, cơ cấu nguồn chi để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, tự giác “thắt lưng buộc bụng” để kiềm chế nợ công…
Dự án quốc lộ 1A qua Tây Nguyên “tiết kiệm” được hơn 14.000 tỷ đồng. Ảnh TTXVN
Dự án quốc lộ 1A qua Tây Nguyên “tiết kiệm” được hơn 14.000 tỷ đồng. Ảnh TTXVN
Chi nhiều cho lễ hội, sự kiện, đi nước ngoài…
Chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ về cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là hụt thu lớn do giá dầu thế giới liên tục giảm, Đại biểu (ĐB) Phùng Đức Tiến (Hà Nam) chưa đồng tình với cơ cấu chi NSNN khi “vẫn chi khá nhiều cho lễ hội, sự kiện, đi nước ngoài nhưng chi cho đầu tư phát triển, chương trình mục tiêu quốc gia còn dàn trải, thậm chí lãng phí, chưa thực hiện kỷ cương tài chính…” .
Với việc năm 2015 thu NSNN địa phương tăng đột biến hơn 4.000 tỷ đồng với các khoản thu ngoài dự toán, có đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt câu hỏi: “Do dự toán không tính được hết nguồn thu hay những năm trước buông lỏng nên thất thu?”. 
ĐB kiến nghị dự toán NSNN năm 2016 cần lưu ý tránh bị động, kiểm soát các khoản thu để dự toán sát thực tế, “thu đúng, thu đủ”, tránh tăng thu từ các nguồn đột biến ngoài dự toán; Chính phủ cần có giải pháp cương quyết chống “nợ đọng thuế phức tạp”, vượt chi quá cao để đảm bảo nguồn thu; đồng thời giảm một số khoản chi, thực hiện các nhiệm vụ chi với mức ngân sách thấp hơn và thực hiện nghiêm các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về giảm chi, cắt giảm những chi tiêu thường xuyên còn lãng phí…
Lý giải tình trạng lãng phí NSNN do việc chi NSNN “đang ghép chi đầu tư phát triển và chi tiêu dùng làm một nên vung tay, không cân đối trước, để thả lỏng”, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, giải pháp căn cơ để cân đối NSNN phải nghiên cứu xây dựng chính sách tài khóa công lành mạnh, thay đổi trên 3 nguyên tắc: cơ cấu thu (giảm dần thuế gián thu và tăng thuế trực thu); tính toán lại và giảm cơ cấu chi; thay đổi phương thức chi NSNN.
Cần “đóng băng” mức bội chi để kiềm chế nợ công 
Theo Bộ Tài chính, nợ công tăng nhanh (dự tính cuối năm 2015 là 64%, năm 2016 là 64,9%) nhưng NSNN khó khăn do ngân sách trung ương giảm, không đủ thanh toán trả nợ, mất cân đối giữa nợ và khả năng trả nợ. 
ĐBQH lo ngại “chúng ta đang phải vay để trả nợ mà mức vay gấp đôi mức trả nợ, cứ đà này nợ công sẽ tiếp tục tăng cao, đặt gánh nặng cho nền kinh tế”. Do đó, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cảnh báo: “Nếu không cải thiện thì thâm hụt NSNN sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao”.  
Theo tính toán, sử dụng dưới 25% NSNN để trả nợ công mới an toàn, nhưng ta đã phải dành 31,9% NSNN để trả nợ là đáng ngại nên ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng phải tăng cường kỷ luật tài chính, thống kê chính xác nợ công và các khoản nợ có tính chất nợ công, có phương án trả nợ khi nợ kịch trần… 
Để giảm tốc độ tăng nợ công, ĐB Trần Văn (Cà Mau) đề xuất giải pháp “tạm “đóng băng” trong 3 năm mức bội chi NSNN, biên chế nhà nước”. Theo ĐB, đó là giải pháp “thắt lưng buộc bụng” mà chúng ta phải tự giác thực hiện trước khi phải thực hiện theo yêu cầu của các định chế tài chính quốc tế do hậu quả của nợ công.
* ĐB Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam: 
“Không tăng lương sẽ lại “hành” dân”
“Chi ngân sách nhà nước 2016 bằng mọi cách phải dành nguồn, có lộ trình để tăng lương cho đội ngũ công chức. Nếu đầu năm không tăng được thì giữa năm phải tăng và cố gắng tăng không dưới 5%. Đồng thời đề nghị Chính phủ phải có lộ trình để thực hiện Điều 91 Bộ luật Lao động về mức lương tối thiểu. Nếu không cán bộ, công chức sẽ sống như thế nào? Từ đó sẽ gây khó khăn cho nhân dân, “hành” dân, sẽ lại có chuyện doanh nghiệp “bôi trơn” cho bộ máy hành chính nhà nước, như thế là không thể chấp nhận được”.
* “Sốc” vì dự án quốc lộ 1A tiết kiệm được hơn 14.000 tỷ đồng
Theo Tờ trình của Chính phủ, sau khi hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 của Quốc hội còn dư 14.259/61.680 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đã được phân bổ. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng: “Tiết kiệm được số tiền như vậy là “sốc” nhưng cần nhấn mạnh đến yếu tố “tiết kiệm” để làm rõ bằng cách nào một công trình tiết kiệm được 23% vốn đầu tư như vậy. Vì cử tri lo ngại cắt giảm quy mô đầu tư có thể cắt giảm chất lượng công trình”.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng lý giải, giảm được do chênh lệch nguồn vốn bố trí với tổng mức đầu tư các dự án đã được phê duyệt, thực hiện chỉ định thầu, giảm chi phí giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian thi công, quá trình thi công, Bộ đã chỉ đạo kiểm soát chặt các khâu thiết kế, dự toán, phương án thi công phù hợp. 
Tán thành tiếp tục sử dụng vốn dư này để đầu tư, ĐBQH đề nghị phải đầu tư theo nguyên tắc “lấy đâu trả đấy”, nghĩa là đầu tư vào đúng các dự án, công trình Quốc hội đã quyết định; những dự án thực sự cấp bách, đã đầu tư mà thấy còn bất cập, cần đầu tư tiếp.

Đọc thêm