Số lượng cảng biển “qua mặt” chất lượng

Theo các chuyên gia, hiệu quả của một cảng chỉ có thể có khi nó gắn bó với nguồn hàng, có mạng lưới hạ tầng kết nối thuận tiện, tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều cảng được đưa vào hoạt động nhưng hệ thống đường giao thông kết nối với cảng không được đầu tư xây dựng kịp thời nên đã gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa, làm nản lòng DN.

Hàng loạt cảng quốc tế tại các tỉnh trọng điểm phía Nam đã đi vào hoạt động song khai thác mới chỉ đạt trên 50% công suất. Bên cạnh đó, nhiều cảng biển lớn cũng đang được hoàn thiện và chuẩn bị đưa vào hoạt động. Làm thế nào để khai thác hết công suất của các cảng đang là bài toán khó đối với các DN kinh doanh cảng.

Bùng nổ đầu tư cảng biển

Trong thời gian gần đây, tại các tỉnh trọng điểm phía Nam, hàng loạt các cảng quốc tế đã và đang được hình thành, đưa hệ thống cảng biển tại đây phát triển mạnh mẽ. Được hình thành nhiều nhất phải kể đến hệ thống cảng biển tại Bà Rịa- Vũng Tàu.

Hiện địa phương này có 21 cảng được khai thác, với công suất 41 triệu tấn/năm, trong đó có 3 cảng container quốc tế. Tháng 5/2009, Cảng quốc tế SP-PSA liên doanh giữa TCty hàng hải Việt Nam, cảng Sài Gòn và PSA International (Singapore) được khánh thành và đi vào hoạt động.

Số lượng cảng biển “qua mặt” chất lượng ảnh 1

Cảng được xây dựng trên diện tích 54 ha với tổng vốn đầu tư 240 triệu USD. Ông Lê Công Minh, Tổng giám đốc Cảng Sài Gòn, kiêm Chủ tịch HĐQT cảng SP-PSA cho biết, trong giai đoạn 1, cảng đưa vào sử dụng cầu cảng dài 600m, có thể tiếp nhận hai tàu trọng tải 80.000 tấn hoặc bốn tàu có trọng tải trên 30.000 tấn, cảng có công suất xếp dỡ 1,1 triệu TEU. Khi hoàn thành giai đoạn 2, cảng có công suất xếp dỡ 2,2 triệu TEU. 

Tại khu vực TP.HCM, nhiều cảng lớn cũng đã được đưa vào hoạt động, như cảng container trung tâm Sài Gòn (SPCT) đi vào hoạt động tháng  10-2009. Ông Patrich Bol, Tổng giám đốc SPCT cho biết, cảng SPCT được xây dựng trên điện tích 40 ha, giai đoạn 1 xây dựng là 24 ha, có 2 cầu tàu và sức chứa của bãi lên tới 15.000 TEU, 650 ổ cắm điện cho container lạnh, cùng với 5 bờ cẩu và 13 cẩu khung, công suất bốc dỡ hàng năm khoảng hơn 1 triệu TUE.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt của UBND TP.HCM và Bộ GTVT, khu vực cảng biển Hiệp Phước bao gồm 7 cảng biển thuộc các lĩnh vực: cảng hàng hóa, cảng container, cảng chuyên dùng và cảng xăng dầu. Các cảng khác đang tiếp tục được xây dựng và đưa vào khai thác trong những năm tới.

Giáp ranh với TP.HCM, tháng 8 vừa qua, Long An cũng đã khởi công xây dựng Cảng quốc tế Long An dài 2.600 m, nằm trên sông Soài Rạp. Khi hoàn thành, cảng Long An có thể tiếp nhận tàu 30.000 - 70.000 DWT. Công suất xếp dỡ của cảng giai đoạn 1, dự kiến năm 2013, là 2,5 triệu tấn/năm và tăng lên 9,3 triệu tấn/năm vào năm 2015, đạt 15 triệu tấn vào năm 2020. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ có một cụm cảng biển hiện đại của tỉnh Tiền Giang được xây dựng bên bờ sông Soài Rạp, đoạn đi qua tỉnh này.

Một “thế mạnh” chưa mạnh

Chủ trương phát triển mạnh mẽ kinh tế biển trong đó có hệ thống cảng biển và các dịch vụ đi cùng đang mở ra tương lai cho phát triển kinh tế cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, đã có không ít cảng được xây dựng nhưng lượng hàng hóa ra, vào rất ít. Điển hình như cảng Sài Gòn, một cảng biển lớn có công suất tiếp nhận khoảng 15 triệu tấn hàng hóa/năm nhưng suốt từ năm 2003 đến 2009 mới tăng được sản lượng từ 9,5 triệu tấn lên 14 triệu tấn hàng hóa/năm.

Tương tự, cảng SPCT lượng hàng hóa ra vào khá đều, tuy nhiên, hàng khai thác thực tế vẫn còn khoảng cách khá xa so với công suất thiết kế. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hiện tại, trong khu vực TP.HCM chỉ có Tân Cảng - Cát Lái là khai thác hết công suất với lượng hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn do có vị trí thuận lợi, là điểm nối giữa các trung tâm sản xuất hàng hóa gồm: Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.

Theo các chuyên gia, hiệu quả của một cảng chỉ có thể có khi nó gắn bó với nguồn hàng, có mạng lưới hạ tầng kết nối thuận tiện, tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều cảng được đưa vào hoạt động nhưng hệ thống đường giao thông kết nối với cảng không được đầu tư xây dựng kịp thời nên đã gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa, làm nản lòng DN.

Cảng Hiệp Phước được khởi công nhưng vẫn chưa có đường giao thông kết nối tới cảng. Tương tự, cảng Tân Cảng – Cái Mép (Vũng Tàu) đi vào hoạt động hơn 1 năm, nhưng đường dẫn vào cảng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Do đó, hàng hóa nhập khẩu về các cảng này phần nhiều được chuyển về các cảng TP.HCM làm thủ tục nhập khẩu… 

 Ngọc Quý

Đọc thêm