Cụ thể là việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cùng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ trật tự, an ninh ở cơ sở đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều trong quá trình thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 10 Quốc hội (QH) khóa XIV.
Tổng Thư ký QH cũng đã tiến hành lấy phiếu xin ý kiến của đại biểu QH mà theo đó đa số đại biểu không tán thành việc tách Luật Giao thông đường bộ làm 2 dự án Luật và cho rằng không cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ trật tự, an ninh ở cơ sở.
Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì và trả lời tại buổi họp báo. |
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về quá trình xây dựng các dự án Luật trên, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng quy trình trình các dự án Luật là đúng nhưng do thời gian gấp, phải có thời gian xem xét đánh giá kỹ lưỡng. Tại các buổi thảo luận, các đại biểu QH đã cho ý kiến. Đây là cơ sở để Ban soạn thảo, Chính phủ tiếp thu hoàn chỉnh dự án Luật và có thể báo cáo QH vào Kỳ họp sau.
Phó Tổng Thư ký QH Nguyễn Trường Giang nêu điểm đ khoản 1 Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để nói về việc bổ sung dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình Kỳ họp thứ 10 QH khóa XIV. Việc Tổng Thư ký lấy phiếu ý kiến là xin ý kiến của đại biểu QH về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, làm căn cứ cho các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện dự án Luật giữa hai Kỳ họp QH.
Đây là thẩm quyền của Ủ y ban Thường vụ QH và nếu thấy đủ điều kiện thì sẽ trình QH. Trường hợp chưa đủ điều kiện, chẳng hạn yêu cầu đánh giá tác động mà không đánh giá được thì Ủy ban Thường vụ QH sẽ không trình QH tại Kỳ họp thứ 11. Sắp tới, Ủy ban Thường vụ sẽ bàn bạc cụ thể vấn đề này.