Sống trong xã hội bảo thủ
Theo hãng BBC, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là đất nước có tư tưởng bảo thủ đối với người LGBT (đồng giới nam, đồng giới nữ, song tính, chuyển giới và lưỡng tính). Tuy nhiên, sau cái chết của người chuyển giới nữ Hande Kader, các nhà hoạt động vì quyền của cộng đồng LGBT mới có cuộc biểu tình phản đối hiếm hoi ở Istanbul.
Được biết, Hande Kader 22 tuổi, làm nghề mại dâm. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy cô là khi bước vào một chiếc ôtô của khách hàng vào ban đêm. Thi thể của Kader được tìm thấy khi đã bị cháy sém và phân hủy trong khu vực ngoại ô thành phố Istanbul, khám nghiệm tử thi cho thấy cô bị đâm và đánh đập dã man trước khi bị thiêu chết đến mức khó nhận diện.
Davut Dengiler, một người bạn chung phòng với Hande Kader, được cảnh sát gọi đến để nhận dạng. Anh cho biết: “Ban đầu tôi định rời khỏi nhà xác. Tôi đã có chút hi vọng khi không thấy thi thể của cô ấy ở đó. Nhưng đến phút cuối, một bác sĩ đã nói với tôi rằng, còn một cái xác bị thiêu cháy và bảo tôi xem qua cái xác đó. Tôi đã xem và nói cho bác sĩ những đặc điểm nhận dạng... Một lúc sau, bác sĩ đặt tay lên lưng tôi tỏ vẻ thương tiếc. Lúc ấy, tôi cảm thấy như đánh mất chính mình, bầu trời sụp đổ ngay trước mắt mình, chân tôi không đứng vững”.
Anh cho biết: “Hande Kader là một trong những người bạn đáng được yêu mến nhất trên thế giới này. Cô ấy là một người trầm tính nhưng cũng rất năng nổ. Cô ấy luôn tích cực tham gia những cuộc biểu tình, cuộc tuần hành ủng hộ cộng đồng người LGBT. Cô là người đã muốn thì sẽ theo đuổi đến cùng điều mà cô cho là đúng đắn”.
Trước đây, khi Hande Kader còn sống, cô luôn là người đứng lên phản ứng trước những cái chết của những người chuyển giới khác. Cô ấy giống như người điên khi biết được một người chuyển giới nào đó bị giết. Cô ấy cũng đã từng bị đâm và bị đánh đập, nhưng điều này không chỉ xảy ra với Hande Kader, mà hầu như những người LGBT đều phải hứng chịu những điều khủng khiếp ấy.
Ngay sau vụ việc sát hại Kader, những nhà hoạt động vì quyền của cộng đồng LGBT đã bày tỏ sự tưởng nhớ tới cô gái trẻ. Trên Twitter và Facebook, tên của Kader đã trở thành một cụm từ được nhiều người hashtag, như #HandeKadereSesVer, có nghĩa là “Hãy để Hande Kader lên tiếng”.
Các nhóm hoạt đồng vì quyền của cộng đồng LGBT địa phương, bao gồm tổ chức Pink Life đã tổ chức một cuộc họp báo, kêu gọi quyền cho những người chuyển giới tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau đó, nhóm Istanbul LGBT+ và Hội đồng Pride Week đã ra một tuyên bố yêu cầu đòi lại công bằng cho Kader và các nạn nhân khác, những người đã bị giết vì xu hướng tính dục của họ.
“Chúng tôi cảm thấy phẫn nộ khi người bạn của chúng tôi, Hande Kader đã bị thiêu sống tới chết. Hande là một người đã dám dùng tiếng nói của mình để chống lại tội ác và cổ vũ mọi người dám đứng lên vì quyền của bản thân”, tuyên bố cho biết. Hàng nghìn người biểu tình đã tham dự lễ tuần hành từ Tunel đến Galatasaray nhằm kêu gọi mọi người lên tiếng để chống lại sự bất công và kỳ thị với cộng đồng LGBT tại quốc gia này.
Được biết, Hande Kader cũng là một trong những nhà hoạt động vì quyền của cộng đồng LGBT nổi tiếng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô luôn cố gắng hết sức mình để kêu gọi sự chú ý đến những vụ giết người đồng ý và đòi lại công lý cho họ. Những hình ảnh của cô xuất hiện trong nhiều cuộc biểu tình, diễu hành, trong đó có sự kiện Gay Pride Istanbul vào tháng 6/2015. Hande Kader kiếm sống bằng nghề mại dâm, tính mạng của cô luôn bị đe dọa.
Cũng giống như mọi đồng nghiệp khác, Kader đón khách trên đường phố. Người bạn thân Funda nói về Kader: “Kader không hề thích công việc này nhưng cô ấy còn biết kiếm sống bằng nghề gì?”. Năm 2015, cảnh sát ra lệnh cấm các cuộc biểu tình tuần hành thường niên của người LGBT ở Quảng trường Taksim của Istanbul. Họ cố gắng giải tán đám đông bằng cách sử dụng vòi rồng, súng cao su và hơi cay. Nhưng cô Kader vẫn luôn là người kiên trì đối chọi với cảnh sát.
Khi ống kính của báo chí chĩa vào mặt Kader, khiến cô khó chịu mà nói rằng, “Các người chụp hình nhưng các người không đăng tải chúng thì chụp để làm gì? Không có một ai chịu lắng nghe và đứng về phía chúng tôi cả”.
Kemal Ordek, phụ nữ chuyển giới may mắn sống sót khi bị tấn công ở nhà riêng, cho biết: “Có rất ít người chuyển giới chết do nguyên nhân tự nhiên. Gần như không có ai cả. Khi bị buộc làm việc trong môi trường tình dục, không ai có thể sống đến già, tất cả họ đều bị giết chết”. Kemal Ordek tốt nghiệp Khoa Xã hội học và là Chủ tịch Red Umbrella - Hiệp hội Bảo vệ quyền những “lao động tình dục” chuyển giới.
Ordek nói tiếp: “Chúng tôi bị khinh thường và bị coi là một vết nhơ của xã hội. Khi bước đi trên đường phố, mọi người luôn nhìn chúng tôi như là những món đồ chơi phục vụ tình dục. Khi lần đầu tiên trở thành nhà hoạt động, tôi khó mà ngủ được khi nghĩ đến những thông tin nhận được trong đêm khuya. Ngay cả bây giờ, điện thoại của tôi được đặt ở chế độ reo lớn nhất khi tôi đang ngủ. Tôi chờ đợi tin tức: một ai đó bị đâm chết, một ai đó bị đánh đập. Tôi được gọi đến và tôi phải đi ngay lập tức”.
Triệt sản mới được cấp thẻ căn cước
Được biết, quá trình tái xác định nhận dạng của người chuyển giới ở Thổ Nhĩ Kỳ thường kéo dài và không có kết quả. Nhiều người không dám làm lại giấy căn cước cho nên họ không thể làm việc trong các nhà thổ có bảo vệ.
Bà Sinem Hun, nữ luật sư phụ trách những vụ làm lại căn cước cho người chuyển giới, cho biết chính quyền “muốn nhìn thấy” cơ quan sinh dục của người chuyển giới (cả nam lẫn nữ) để tiến hành thủ tục làm lại căn cước. Trong khi đó, ở Thổ Nhĩ Kỳ, có rất ít bác sĩ đủ tiêu chuẩn thực hiện các ca phẫu thuật đó, một quá trình phức tạp và đắt tiền. Bà Sinem Hun kể: “Chính vì vậy mà rất nhiều người chuyển giới không dám làm lại căn cước trong 5 hay 6 năm”.
Ngoài ra, có một sự thật đáng buồn và vô cùng đau khổ đối với cộng đồng người LGBT ở Thổ Nhĩ Kỳ, đó là chính phủ bắt họ phải triệt sản thì mới được phép làm thẻ căn cước công dân. Theo nhóm quyền chuyển đổi giới tính Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong 24 quốc gia châu Âu đòi hỏi phải triệt sản trước khi thay đổi giới tính của họ, đây là điều kiện cần có để được chính thức công nhận.
Serkan Yonuk, một người đàn ông chuyển giới ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa mới được cấp thẻ căn cước, tuy nhiên ông đã phải phẫu thuật triệt sản. Ông đau đớn cho biết: “Đó không phải lựa chọn của tôi, tôi bị ép buộc phải triệt sản, điều đó thật là khủng khiếp!”.
Đây cũng chỉ là một trong những thách thức mà cộng đồng người LBGT ở Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt. Họ phải đấu tranh hết mình để được xã hội chấp nhận, nơi mà người ta cho rằng tình dục giữa những người đồng tính là quá giới hạn cho phép. Rất nhiều người trong cộng đồng LGBT còn bị chính gia đình của mình hắt hủi, ghét bỏ. Họ cũng rất khó khăn khi đi tìm việc làm, chính điều này đã đẩy họ đến nghề mại dâm để kiếm sống. Tuy nhiên, sống với nghề mại dâm cũng không hề khiến họ bớt nguy hiểm, họ phải đối mặt với việc bị hãm hiếp, đánh đập dã man, bị bắt cóc và có khi là bị giết...
Hiện nay có 24 quốc gia trên thế giới trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Pháp và Thụy Sĩ đòi hỏi người chuyển giới làm lại căn cước. Trong khi đó 15 quốc gia khác không đòi hỏi như Anh, Thụy Điển, Italia và Tây Ban Nha. Phẫu thuật chuyển đổi giới tính bị coi là bất hợp pháp ở Hungrary, Cyprus, Moldova và Albania.
Người tị nạn đồng tính cũng gặp nguy hiểm
Cách đây khoảng hơn 1 tháng, một nạn nhân có tên là Wisam, đã chạy trốn khỏi Syria và đến Istanbul khoảng một năm trước. Người đàn ông này mất tích từ ngày 23/7 và thi thể được tìm thấy 2 ngày sau đó tại huyện Yenikapi của thành phố này. Theo cảnh sát, người đàn ông này đã bị đe đọa, bị bắt cóc và hãm hiếp. Không những thế, Wisam còn bị đâm 20 lần, tuy nhiên cảnh sát không làm gì cả vì anh ấy là người Syria và là người đồng tính.
Các nhà hoạt động quyền cho người đồng tính ở Thổ Nhĩ Kỳ đã nói rằng những người đồng tính đang phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng ở đây.
Và nhiều người tị nạn từ Syria thuộc giới tính thứ ba cho biết họ cảm thấy họ phải che giấu giới tính thực sự của mình để bảo toàn tính mạng.
Một người tị nạn đồng tính đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, sự an toàn của họ đang bị đe dọa. “Tôi rất sợ hãi, tôi cảm thấy như tất cả mọi người đang nhìn tôi trên đường phố. Không ai quan tâm đến chúng tôi, họ chỉ nói câu chuyện của họ. Tôi liên tục nhận được các mối đe dọa qua điện thoại. Nếu bạn là người đồng tính, bạn sẽ trở thành mục tiêu của tất cả mọi người”. Nhiều người tị nạn LGBT đến từ Syria đang sống trong tình cảnh lo sợ, không an toàn và thiếu sự bảo vệ.