“Đối đầu bất đắc dĩ”
“Song Lang” là phim điện ảnh có tính nghệ thuật được đánh giá tốt bởi giới chuyên môn và khán giả ngay khi vừa ra rạp. Với kịch bản từ bộ đôi biên kịch “thần thánh” Leon Quang Lê và Nguyễn Thị Minh Ngọc, “Song Lang” được đánh giá có kịch bản “chắc tay” và ít “sạn” hiếm hoi trong số các kịch bản thuần Việt từ trước đến nay.
Đạo diễn Leon Quang Lê đã đủ tài năng để đưa một câu chuyện đi đến chiều sâu cần thiết, đồng thời, tất cả những yếu tố cần cho câu chuyện ấy đều trở thành những mảnh ghép hết sức phù hợp: Cách xây dựng tuyến nhân vật, cách chọn diễn viên vào vai diễn cho đến bối cảnh, tông màu, khung hình và âm nhạc…
Ở khía cạnh thị trường, đây cũng được đánh giá là bộ phim có thể cân đối được giữa tính nghệ thuật và thị hiếu khán giả, có khả năng kéo khán giả đến rạp. Vì tuy là một phim nghệ thuật, về một đề tài khá “khó” như nghệ thuật cải lương, nhưng Leon Quang Lê đã dung hòa vào đó một số yếu tố có tính “thời thượng” như dàn diễn viên trẻ, đẹp với Issac, chàng ca sĩ trẻ điển trai đang nổi tiếng, Liên Bỉnh Phát, một nhân tố mới ấn tượng.
Cạnh đó là mối tình “đam mỹ” lãng mạn và bối cảnh xưa đang là “hot trend”. Cái hay là ở “Song Lang”, người xem sẽ không thấy cái xu hướng “retro” giả cổ đang là trào lưu được tái hiện trong nhiều bộ phim gần đây, mà khán giả thực sự có thể được sống trong không gian của một thời đã qua, cái đẹp nằm trong cái thực. Chính vì thế, bộ phim nhanh chóng chiếm được cảm tình của cả khán giả lẫn giới nghệ sĩ và giới chuyên môn, một điều không nhiều bộ phim Việt làm được.
Tuy nhiên, được ủng hộ, yêu mến là một chuyện, nhưng “Song Lang” có bứt phá và thành công về khía cạnh doanh thu hay không lại là chuyện hoàn toàn khác. Bên cạnh những thuận lợi có yếu tố “nhân hòa” ấy, bộ phim lại vấp phải một khó khăn có tính quyết định thuộc về “thiên thời”.
Ra mắt vào trung tuần tháng 8, một trong những tháng có tính cạnh tranh nhất của thị trường phim chiếu rạp, một mình “Song Lang” đã phải “đối đầu” với 4, 5 phim Việt khác. Nhưng đáng ngại nhất, chính thời điểm ra rạp của mình, bộ phim lại “đụng độ” ngay dự án điện ảnh “khó nhằn” được trông đợi nhất trong số các phim ra rạp tháng 8: “Chàng vợ của em”.
Theo lịch ra rạp, “Chàng vợ của em” sẽ khởi chiếu vào 24/8, tuy nhiên, bộ phim đã công chiếu sớm từ 3 ngày trước đó, nghĩa là chỉ 3 ngày sau khi “Song Lang” ra rạp, chưa qua được thời điểm khởi động. “Chàng vợ của em” của đạo diễn Charlie Nguyễn có đầy đủ yếu tố để được trông đợi là bộ phim “sáng” nhất của phim Việt 2018 về mặt doanh thu: Sự góp mặt của Thái Hòa, được mệnh danh “vua phòng vé”, sự tham gia của Phương Anh Đào, nữ diễn viên đang được chú ý sau thành công của phim “Nhắm mắt thấy mùa hè”, cùng với Hứa Vỹ Văn, nam diễn viên trung niên đang “hot” hiện nay…
Đây lại là một phim hài lãng mạn, thể loại được coi là “an toàn” nhất trong các thể loại phim. Và không nằm ngoài dự đoán, ngay khi ra rạp, phim “Chàng vợ của em” đã nhận được phản hồi tốt, kéo một lượng khán giả đến rạp. Diễn xuất của Thái Hòa được đánh giá là đỉnh cao phong độ, và đây cũng là bộ phim mà Charlie Nguyễn được đánh giá là “nhuyễn” nhất.
Khi nhà phát hành là “con tạo xoay vần”
Mừng cho “Chàng vợ của em”, nhưng những người yêu điện ảnh cũng lo lắng cho “Song Lang”. Chuyện đã thành quy luật của điện ảnh, một bộ phim thắng hay thua không chỉ phụ thuộc vào chất lượng của bộ phim ấy, mà thời điểm ra mắt rất quan trọng. Tâm lý tất yếu của khán giả Việt là trong cùng một thời điểm, ít ai cùng lúc đi xem nhiều phim Việt mà hầu như chỉ lựa chọn một phim để xem.
Chính vì thế, phim nào may mắn ra rạp không phải cạnh tranh với các đối thủ nặng kí, phù hợp thị hiếu số đông, phim đó có thể đạt được doanh thu kì vọng. Một minh chứng rõ là “Siêu sao siêu ngố”, một phim hài bị đánh giá là khá nhảm, không có gì đặc sắc, nhưng ra rạp thời điểm Tết Nguyên đán, không có đối thủ nên dễ dàng đoạt doanh thu trăm tỉ. Còn “Lật mặt 3” của Lý Hải hay “7 ngày yêu em” suýt “chết yểu” khi đụng độ hàng loạt “bom tấn” dù được đánh giá tốt.
Chất lượng phim còn có thể do sự nỗ lực từ người làm phim, nhưng thời điểm ra rạp thì khá “hên xui”, nó còn phụ thuộc vào nhà phát hành. Ở điều này, nhiều người đặt ra câu hỏi, lý do CGV đưa “Chàng vợ của em” ra rạp suýt soát thời điểm “Song Lang” khởi chiếu, phải chăng có chút ẩn ý, khi mà trước đó, từ phim “Tấm Cám”, mâu thuẫn giữa CGV và Ngô Thanh Vân, nhà sản xuất “Song Lang” đã bị đẩy lên đỉnh điểm?
Chẳng biết là lý do gì, nhưng việc đặt một bộ phim nghệ thuật và một phim thị trường cạnh nhau cùng một thời điểm, đó là sự thiệt thòi cho một bộ phim nghệ thuật. Thậm chí là thiệt thòi cho khán giả, khi họ có lựa chọn khác và không thể tiếp cận một bộ phim giá trị. Có lẽ, đây là điều các nhà phát hành nên cân nhắc để ủng hộ tâm huyết của những người phim không chỉ để kiếm tiền, ủng hộ để phim Việt tử tế không bị “chết non” khi mới ra ràng.