Theo khoản 1, Điều 2 của Luật công chứng số 53/2014/QH13 ngày 20/6/2014 thì Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Còn chứng thực hợp đồng, giao dịch: là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch” (khoản 4, Điều 2, Nghị định 23/2015/NĐ-CP).
Theo đó, công chứng hợp đồng, giao dịch hay chứng thực hợp đồng, giao dịch đều là sự chứng nhận, hay xác nhận tính có thực của một hợp đồng, giao dịch nào đó, các bên tham gia hợp đồng, giao dịch đều có năng lực hành vi dân sự và các bên đã tự nguyện tham gia ký kết hợp đồng, giao dịch. Tuy nhiên hai hoạt động này có những điểm khác biệt cơ bản sau đây:
1. Về cơ quan thực hiện
Đối với chứng thực hợp đồng, giao dịch: Phòng Tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch thực hiện;
Đối với công chứng hợp đồng, giao dịch: Tổ chức hành nghề công chứng (Phòng Công chứng, Văn phòng Công chứng) thực hiện.
2. Về người thực hiện
Đối với chứng thực hợp đồng, giao dịch: Ở các Phòng Tư pháp, thì Trưởng Phòng, Phó trưởng Phòng Tư pháp là người thực hiện chứng thực chữ ký người dịch. Ở Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch/Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực.
Đối với công chứng hợp đồng, giao dịch: Công chứng là hoạt động do công chứng viên thực hiện, hay nói cách khác, chủ thể thực hiện hoạt động công chứng chỉ là công chứng viên. Công chứng viên là những người đáp ứng được đầy đủ điều kiện về trình độ pháp lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thâm niên công tác… do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm.
3. Về giá trị pháp lý
Theo quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
4. Về trách nhiệm của người thực hiện chứng thực và công chứng viên:
Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Không chịu trách nhiệm về nội dụng của hợp đồng, giao dịch được chứng thực (trừ trường hợp người thực hiện chứng thực biết rõ ràng là hợp đồng, giao dịch đó trái pháp luật).
Công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch được công chứng (chịu trách nhiệm về mặt nội dung); về toàn bộ hợp đồng, giao dịch được công chứng và họ phải chịu trách nhiệm cá nhân cả đời về việc mà họ đã công chứng.
5. Thủ tục thực hiện chứng thực và thủ tục công chứng
Điều 36 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP chỉ quy định một thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch khá đơn giản cho chứng thực tất cả các loại hợp đồng, giao dịch khác nhau.
Thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch được quy định tại Điều 40, 41 của Luật Công chứng. Thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch có hai loại: hợp đồng, giao dịch do người yêu cầu công chứng tự soạn thảo và hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo.