Không cấp giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân cho người đã khuất: Có làm khó người dân?

(PLO) -Luật Hộ tịch không quy định việc cấp Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân cho người đã chết. Nhưng thực tế lại có rất nhiều giao dịch cần đến giấy tờ này. Cơ quan quản lý nhà nước thì lý giải quy định như vậy là nhằm bảo đảm quyền lợi cho những người có liên quan.
Luật Hộ tịch có nhiều cải tiến về quy định cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Luật Hộ tịch có nhiều cải tiến về quy định cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Không có giấy xác nhận, không rút được tiền tiết kiệm 

Một bạn đọc chia sẻ, cha mẹ chị có để em gái chị đứng tên gửi Sổ tiết kiệm tại ngân hàng. Tháng 10/2014, em chị không may mất vì tai nạn giao thông. Để  làm thủ tục rút tiền, cha mẹ chị đã chuẩn bị hồ sơ gồm: Giấy chứng tử, Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân bản gốc của người em gái; Sổ tiết kiệm; Sổ hộ khẩu gia đình  và Giấy xác nhận em gái  chị chưa kết hôn (Giấy xác nhận này UBND phường chỉ xác nhận từ ngày 1/1/2010 - ngày gia đình chị chuyển hộ khẩu từ Lạng Sơn về Hà Nội) và 1 bản sao công chứng Lý lịch đảng viên (em chị được kết nạp Đảng vào tháng 3/2014).

Có điều, ngân hàng không giải quyết cho cha mẹ chị rút tiền với lý do phải có xác nhận chưa kết hôn trước thời điểm ngày 1/1/2010. Cha mẹ chị về Lạng Sơn xin xác nhận tình trạng hôn nhân cho em gái chị và được UBND xã giải thích không cấp giấy cho người đã chết theo quy định của Luật Hộ tịch nên chưa biết làm sao rút được tiền trong ngân hàng. 

Đối với trường hợp trên, nếu theo quy định cũ tại Điều 66 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch về thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì UBND cấp xã, nơi cư trú của người có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đó.

Trường hợp đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau, việc xác nhận tình trạng hôn nhân có thể được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2008/TT-BTP của Bộ Tư pháp là UBND cấp xã, nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó, thì yêu cầu đương sự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan.

Do người em gái đã chết, gia đình có thể về UBND xã nơi thường trú trước đây (tại Lạng Sơn) để xin xác nhận về tình trạng hôn nhân của người em trong thời gian cư trú trước  ngày 1/1/2010.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu và thực hiện

Tuy nhiên, Luật Hộ tịch lại không quy định về việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đã chết, trong khi rất nhiều giao dịch dân sự hiện nay cần đến giấy tờ này. Đó là thực tế được anh Trịnh Tất Thắng, cán bộ tư pháp - hộ tịch UBND phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội phản ánh. Phải chăng quy định như thế là làm khó người dân trong giao dịch dân sự? 

Qua trả lời của Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh cho thấy, Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành không quy định về việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người chết.

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 15/2015/TT-BTP, người có yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Do vậy, đối với yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đã chết, UBND cấp xã không tiếp nhận, giải quyết.

Ông Khanh lý giải, tình trạng hôn nhân là thông tin quan trọng, có thể gây hệ quả pháp lý nghiêm trọng nếu được xác nhận không đúng. Dữ liệu này có tính biến động, thậm chí có thể thay đổi ngay sau khi cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, do đó cần được kiểm tra, cập nhật kịp thời.

Để bảo đảm quyền lợi cho những người có liên quan (người dự định kết hôn, người có giao dịch về tài sản với người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân), trường hợp đề nghị cấp lại mà không xuất trình được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sử dụng vào mục đích kết hôn được cấp trước đây, cơ quan đăng ký hộ tịch cần phải tiến hành kiểm tra, xác minh kỹ, nên thời gian giải quyết thủ tục hành chính phải kéo dài (bao gồm thời gian gửi/nhận văn bản xác minh và thời gian chuyển văn bản qua hệ thống bưu chính) là phù hợp. Cơ quan đăng ký hộ tịch cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người dân trên địa bàn nắm bắt, hiểu và thực hiện đúng quy định. T.Q

 Theo quy định của Luật Hộ tịch, từ ngày 1/1/2016, việc đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, nhận cha mẹ cho con, ghi chú kết hôn, ghi chú ly hôn… có yếu tố nước ngoài sẽ do UBND cấp huyện thực hiện thay vì Sở Tư pháp như trước đây.

Hay việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cũng được xem là cải tiến lớn khi giao thẩm quyền cho UBND cấp xã nhằm sử dụng trong nước cũng như ở nước ngoài vào mục đích kết hôn cũng như không kết hôn. Đây là những quy định theo hướng giảm thiểu thời gian đi lại và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân. 

Đọc thêm