Ông Phạm Đình Quế, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên cho biết: Thời gian qua, Sở Tư pháp đã tổ chức vận hành mạng nội bộ hoạt động thông suốt, công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện trên Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc TDoffice, đáp ứng nhu cầu khai thác của cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện tin học hóa trong hoạt động quản lý ở các phòng chuyên môn, 100% các đơn vị đều được trang bị máy vi tính kết nối interrnet. Vì thế hầu hết các lĩnh vực của ngành đều sử dụng các ứng dụng các phần mềm tin học, 100% cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị sử dụng hộp thư điện tử trong thực hiện nhiệm vụ. Các văn bản, tài liệu khi trao đổi giữa các phòng, trung tâm, được thực hiện hoàn toàn dưới dạng bản điện tử, thông qua trang thông tin điện tử của Sở và hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp qua mạng của tỉnh, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí và minh bạch hóa các thủ tục tư pháp.
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn nên giải quyết công việc được nhanh chóng. |
Cùng với đó, công tác phổ biến, tập huấn nghiệp vụ sử dụng CNTT cho cán bộ, công chức tư pháp trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng, triển khai, thực hiện, giúp đội ngũ cán bộ của ngành nâng cao năng lực, nghiệp vụ, kinh nghiệm sử dụng thành thạo các phần mềm tin học. Năm 2020 vừa qua, Sở Tư pháp đã nâng cấp trang thông tin của Sở thành cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp, trong đó có Trang thông tin Phổ biến giáo dục pháp luật, có sự tương tác với người sử dụng. Đồng thời, kết nối đường link tới Cổng dịch vụ công của tỉnh và dịch vụ cấp phiếu lý lịch trực tuyến theo đường link liên kết của Cổng thông tin Bộ Tư pháp và Cổng thông tin phổ biến giáo dục pháp luật của Bộ. Qua đó, mọi thông tin liên quan đến lĩnh vực của ngành đều có thể tra cứu, xem trên Cổng thông tin của Sở.
Theo ông Phạm Đình Quế, nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn nên rút ngắn được thời gian giải quyết công việc. Điển hình là các văn bản đều thực hiện bằng chữ ký số; việc sử dụng phần mềm quản lý văn bản TDOffice tại các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở đã góp phần tiết kiệm tối đa về thời gian, chi phí hành chính, phục vụ thuận tiện cho công tác quản lý và điều hành. Thực hiện phát hành 100% văn bản bằng chứng thư số trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản TDOffice. Ngoài ra, Sở còn xây dựng phần mềm công chứng, chứng thực tới các tổ chức công chứng ở 10/10 huyện thị và toàn bộ 129/129 xã, phường trong tỉnh, theo đó tất cả các bản sao, hợp đồng đều được chứng thực trên phần mềm, rất thuận lợi.
Năm 2021, Sở Tư pháp Điện Biên đang tiếp tục triển khai ứng dụng phần mềm quản lý về xử lý vi phạm hành chính và phần mềm đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất (khi các tổ chức, cá nhân đến văn phòng đăng ký đất đai tại các huyện đều đăng tải lên trên cổng thông tin của Sở để lưu giữ, hạn chế được rủi ro). Ngoài ra, việc thực hiện công tác hộ tịch, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh đều được triển khai đồng bộ trên hệ thống điện tử, với phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch, các thao tác như cập nhật, sửa đổi, trích xuất tất cả thông tin về hộ tịch, hộ khẩu của người dân đều trở nên dễ dàng, có tính bảo mật cao. Đến nay, 100% xã, phường đều trang bị hệ thống máy tính riêng kết nối mạng internet cho công chức tư pháp hộ tịch; 100% các TTHC đều dẫn đường link tới Cổng dịch vụ công của tỉnh. Chỉ tính riêng trong năm 2020 vừa qua, Sở Tư pháp đã thực hiện tiếp nhận 5.316/6.548 hồ sơ qua mạng trực tuyến đạt 81,2%.
Sở Tư pháp Điện Biên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính |
Ông Phạm Đình Quế chia sẻ: Khi chưa có ứng dụng CNTT mọi công việc đều thực hiện bằng phương pháp thủ công mất rất nhiều thời gian, lại khó khăn trong việc quản lý lưu giữ tài liệu, thậm chí gây phiền hà và ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân. Nhất là các thông tin phân tán, không có sự kết nối với nhau, gây khó khăn cho cả công dân và cơ quan nhà nước khi có yêu cầu kiểm tra, xác minh các biến động liên quan đến thông tin của tổ chức, các nhân nào đó. Điển hình như trước đây, công tác đăng ký khai sinh và quản lý hộ tịch ở địa phương được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp viết tay, công chức tư pháp hộ tịch xã phải trực tiếp ghi vào giấy khai sinh, sổ đăng ký hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch để cấp cho công dân, nên mất rất nhiều thời gian cho việc ghi chép. Không tránh khỏi nhiều trường hợp thông tin thiếu chính xác, không đầy đủ các nội dung theo biểu mẫu quy định…
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào CCHC tư pháp nên các thủ tục hành chính không chỉ được giải quyết liên thông, mà các cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia giải quyết thủ tục hành chính còn dễ dàng biết mình phải làm những công việc gì, cách thức ra sao và kết quả đến đâu. Quy trình này cũng được thực hiện trên phần mềm điện tử thuận lợi trong việc lưu giữ, tìm kiếm thông tin nhanh và chính xác hơn.
Có thể nói, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ nói chung, hoạt động đăng ký khai sinh, đăng ký và quản lý hộ tịch, tra cứu, xác minh, cấp phiếu lý lịch tư pháp, công chứng, chứng thực, quản lý xử lý vi phạm hành chính, đăng ký giao dịch đảm bảo quyền sử dụng đất nói riêng… đã và đang góp phần thực hiện hiệu quả quá trình cải cách tư pháp, hướng tới bảo đảm tối đa lợi ích, sự hài lòng của người dân và thực hiện lộ trình Chính phủ điện tử hiện nay.