Sở Tư Pháp Thừa Thiên Huế chuyển mình và đột phá trong cải cách hành chính

(PLVN) - Năm 2022, Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế xếp vị trí (13/21) của các sở, ban, ngành cấp tỉnh trong cải cách hành chính. Một năm sau đơn vị này đã có bước nhảy vọt mạnh mẽ vươn lên dẫn đầu.
Đại diện tập thể Sở Tư pháp, ông Nguyễn Văn Hưng (Ngoài cùng bên phải) nhận bằng khen của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vì có thành tích xuất sắc trong công tác CCHC năm 2023
Đại diện tập thể Sở Tư pháp, ông Nguyễn Văn Hưng (Ngoài cùng bên phải) nhận bằng khen của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vì có thành tích xuất sắc trong công tác CCHC năm 2023

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công bố kết quả đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính của các sở, ban, ngành cấp tỉnh năm 2023. Trong đó, có 4 đơn vị xếp loại xuất sắc gồm Sở Tư pháp với 92,62 điểm, xếp vị trí thứ 1; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 90,91 điểm, xếp vị trí thứ 2; Văn phòng UBND tỉnh với 90,89 điểm xếp vị trí thứ 3; Sở Ngoại vụ với 90,83 điểm, xếp vị trí thứ 4.

Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo trong CCHC ở Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế

Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo trong CCHC ở Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế

Theo lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế, từ 01/01/2023 đến ngày 08/11/2023, Sở đã tiếp nhận 14.358 hồ sơ, xử lý hoàn thành trước hẹn và đúng hẹn: 13.456 hồ sơ đạt tỷ lệ 98,8% tổng hồ sơ đã xử lý.

Trong năm qua, Sở cũng đã cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục “Tiếp nhận, cập nhập, giải tỏa thông tin ngăn chặn trong phần mềm quản lý hồ sơ công chứng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”. Thời hạn giải quyết rút ngắn từ 24 giờ xuống còn 16 giờ. Lợi ích phương án đơn giản hóa thủ tục này mang lại là chi phí tuân thủ thủ tục hành chính giảm từ 37,2 triệu đồng/năm xuống còn 24,8 triệu đồng/năm. Như vậy đã tiết kiệm: 12,4 triệu đồng/năm.

Kết quả cải cách hành chính đối với khối Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, không có đơn vị xếp loại xuất sắc. UBND huyện Phong Điền xếp loại tốt, đứng vị trí số 1 với 86,19; các đơn vị UBND huyện Quảng Điền (85,77 điểm) và UBND huyện Phú Vang (84,86) lần lượt xếp vị trí thứ 2 và thứ 3.

Để có được sự thành công ban đầu này, lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã coi cải cách hành chính là trọng điểm và đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác này gắn liền với chính quyền điện tử. Trong đó, nâng cao nhận thức và vai trò của người đứng đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của đơn vị mình.

Với mục tiêu: “Thân thiện - Đúng hẹn - Đơn giản” góp phần thực hiện CCHC, Sở cũng đã xây dựng và nâng cao chất lượng dịch vụ công. Qua đó, lấy người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm; tạo sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước. Đảm bảo các thủ tục sẽ được giải quyết nhanh, công khai, minh bạch để rút ngắn thời gian giải quyết theo quy định.

Mục tiêu của Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế là: "Thân thiện, đúng hẹn, đơn giản"

Mục tiêu của Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế là: "Thân thiện, đúng hẹn, đơn giản"

Đồng thời, Sở cũng chú trọng công tác tuyên truyền cho người dân, tổ chức tiếp cận các dịch vụ công thông qua việc hướng dẫn, hỗ trợ tạo tài khoản, hướng dẫn sử dụng thủ tục hành chính trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền thông qua tờ rơi, áp phích và Clip hướng dẫn sử dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến để hỗ trợ công dân/tổ chức tiếp cận việc giao dịch thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến.

Nói về giải pháp, lãnh đạo Sở cho rằng; trước hết phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức của Sở. Tiếp theo, rà soát các nội dung chỉ số có điểm chưa cao để chỉ đạo khắc phục ngay. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ.

Lãnh đạo Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế luôn chú trọng việc tiếp dân

Lãnh đạo Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế luôn chú trọng việc tiếp dân

Ông Nguyễn Văn Hưng (Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ, có được vị trí dẫn đầu này là niềm vinh dự của Sở Tư pháp trong hoạt động quản lý, điều hành và phục vụ Nhân dân. Đồng thời, đây là kết quả tất yếu và khẳng định bước đi đúng đắn của chúng tôi trong hoạt động CCHC. Tinh thần chung trong thời gian tới là tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân, tổ chức. Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, viên chức mẫn cán, tận tuỵ, trách nhiệm, tâm huyết với công việc. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, bảo đảm sự thông suốt trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính và các việc liên quan đến người dân, tổ chức.

“Quyết tâm của chúng tôi là đưa công tác CCHC tiếp tục đi vào chiều sâu, toàn diện, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo. Xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để góp phần tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ông Hưng nói.

Ông Nguyễn Thanh Bình (Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, kết quả đánh giá, xếp loại công tác CCHC năm 2023 đã phản ánh khách quan, trung thực và thực tế. Đây là thước đo chất lượng của Bộ máy công quyền trong phục vụ nhân dân và là cơ sở quan trọng giúp người đứng đầu các cơ quan, đơn vị xác định được những mặt mạnh, yếu để có các giải pháp, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp trong việc thực hiện CCHC ngày một hoàn thiện hơn.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế rất chú trọng công tác CCHC, đó là thước đo chất lượng của bộ máy công quyền

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế rất chú trọng công tác CCHC, đó là thước đo chất lượng của bộ máy công quyền

Trong năm 2023, công tác CCHC được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, các văn bản chỉ đạo thực hiện CCHC được ban hành kịp thời. UBND tỉnh cũng đã phân công tổ chức, theo dõi, đôn đốc nhằm thực hiện các nhiệm vụ trong công tác CCHC.Qua đó, đã nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Đọc thêm