Sở Tư pháp tỉnh Nam Định kiểm tra công tác phối hợp liên ngành tại huyện Trực Ninh

(PLVN) - Vừa qua, Đoàn Kiểm tra của Sở Tư pháp tỉnh Nam Định do ông Dương Văn Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Tư pháp làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn huyện Trực Ninh.
Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn kiểm tra tại huyện Trực Ninh

Tham gia với Đoàn kiểm tra có ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; đại diện của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các thành viên Tổ giúp việc của Hội đồng. Huyện Trực Ninh có ông Bùi Văn Dũng - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Trực Ninh, bà Vũ Thị Thanh Hương - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Trực Ninh, ông Nguyễn Mạnh Đạt - Phó Trưởng Công an huyện Trực Ninh.

Ông Dương Văn Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, - Phó Chủ tịch Hội đồng, Trưởng đoàn kiểm tra phát biểu tại buổi làm việc

Thực hiện Kế hoạch triển khai Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2019 quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng và Kế hoạch công tác năm 2024 của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Nam Định.

Tại buổi làm việc, Đoàn kiểm tra đã nghe đại diện lãnh đạo Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân huyện Trực Ninh báo cáo tình hình triển khai Thông tư liên tịch số 10, kiểm tra thực tế việc niêm yết bảng thông tin về hoạt động trợ giúp pháp lý; việc lập, lưu hồ sơ vụ án bản thông tin về trợ giúp pháp lý, biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý, thông tin, thông báo về trợ giúp pháp lý; việc phân công người theo dõi, tổng hợp, vào sổ theo dõi vụ việc và báo cáo các vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng; việc triển khai thực hiện tại Tòa án theo Kế hoạch phối hợp giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh, trực tiếp trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự theo Kế hoạch phối hợp giữa Sở Tư pháp và Công an tỉnh.

Đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện Trực Ninh báo cáo các nội dung kiểm tra.

Qua kiểm tra cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Trực Ninh đã thực hiện tốt các nội dung: niêm yết Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại địa điểm dễ nhận biết, để người dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu thông tin về trợ giúp pháp lý (tại nơi tiếp công dân, bên ngoài hội trường xét xử, cửa buồng giam…). Phần lớn các hoạt động tố tụng được cơ quan tiến hành tố tụng thông báo cho người thực hiện trợ giúp pháp lý kịp thời; hầu hết các văn bản tố tụng, bản án được giao cho người thực hiện trợ giúp pháp lý; đảm bảo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng được thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp...Tất cả các vụ việc có sự tham gia của người thực hiện trợ giúp pháp lý đều được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký người bào chữa, người bảo vệ và thông báo cho người thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đoàn kiểm tra cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp như: số lượng vụ việc có đối tượng được trợ giúp pháp lý tại một số đơn vị còn ít so với tổng số vụ án thụ lý trên địa bàn; việc giải thích quyền được trợ giúp pháp lý trong các vụ án dân sự, hành chính còn chưa lập thành biên bản; việc theo dõi, thống kê, vào sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng còn chưa đầy đủ...

Kết thúc buổi làm việc, ông Dương Văn Nghĩa - Trưởng Đoàn kiểm tra ghi nhận những kết quả đạt được của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Trực Ninh trong công tác phối hợp, tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch số 10. Bên cạnh đó, ông Nghĩa đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện Trực Ninh tiếp tục quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm Thông tư liên tịch số 10, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đặc biệt là nâng cao trách nhiệm phối hợp của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, nhà tạm giữ, trại tạm giam, người có thẩm quyền của nhà tạm giữ, trại tạm giam theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10. Đồng thời, chú trọng hơn nữa đến việc phát hiện, không để bỏ sót đối tượng được trợ giúp pháp lý; thực hiện đầy đủ việc giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý trong các vụ án dân sự, hình sự, hành chính; lập sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10; tạo điều kiện tốt để người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và tăng cường phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý.

Đọc thêm