Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 -28/8/2020) và 39 năm thành lập Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh (1981 -2020), các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành đã luôn phát huy truyền thống “Đoàn kết, Trách nhiệm, Trung thành, Tận tụy, Sáng tạo”, nỗ lực phấn đấu, khẳng định được vị thế, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về tư pháp trên địa bàn Tỉnh. Cùng nhìn lại những thành tích nổi bật trong công tác tư pháp giai đoạn từ năm 2012-2020 của Sở Tư pháp Quảng Ninh:
Công tác xây dựng, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của ngành đã thể hiện rõ nét vai trò “Người gác cổng” trong việc ban hành các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp, tính khả thi, góp phần cùng các ngành, các cấp đóng góp tích cực vào các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nổi bật của Tỉnh.
Sở đã thẩm định trên 800 dự thảo văn bản QPPL, tự kiểm tra gần 500 văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh; kiểm tra theo thẩm quyền trên 1.400 văn bản, rà soát trên 1.200 văn bản. Qua kiểm tra, rà soát đã kịp thời phát hiện và kiến nghị các đơn vị, địa phương xử lý gần 100 văn bản QPPL có sai sót để sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới cho phù hợp. Đặc biệt, Sở Tư pháp đã rà soát, thẩm định nội dung liên quan đến phương án sắp xếp tổ chức, bộ máy trong Đề án “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tinh giản bộ máy, biên chế” của các ngành, địa phương; Chủ trì, tham mưu cho Tỉnh tổng kết thi hành Hiến pháp và nhiều Luật, Bộ luật, Nghị quyết, Chỉ thị quan trọng.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những hoạt động tiêu biểu của ngành Tư pháp được quan tâm đầu tư, triển khai cả bề rộng và chiều sâu. Hàng năm, Sở đều tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đầy đủ, kịp thời các Kế hoạch, văn bản hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo giai đoạn và hàng năm; các kế hoạch thực hiện Đề án về PBGDPL... Đặc biệt từ năm 2012, sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành, “Ngày Pháp luật” hàng năm đã được tổ chức đồng bộ, rộng khắp, tạo sức lan tỏa lớn trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần tích cực trong việc giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân.
Hội nghị Ngày pháp luật năm 2016 |
Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật, xử lý vi phạm hành chính. Thường xuyên tiến hành kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung vào các lĩnh vực doanh nghiệp và người dân quan tâm, qua đó góp phần giảm vi phạm hành chính trên một số lĩnh vực.
Công tác pháp chế được quan tâm, triển khai thống nhất, đồng bộ và kịp thời. Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy tổ chức pháp chế của các sở, ban, ngành chuyên môn, các doanh nghiệp nhà nước do UBND tỉnh quản lý đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ pháp chế, kiến thức pháp luật cho cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp nhà nước.
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được Sở Tư pháp quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả. Sở Tư pháp đã tham mưu thành lập Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh để hỗ trợ, cung cấp, tư vấn pháp luật, tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các doanh nghiệp là thành viên Câu lạc bộ. Hàng năm, Sở trực tiếp thực hiện hỗ trợ pháp lý cho 5-7 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, phối hợp với các Sở, ngành tổ chức nhiều Hội nghị tuyên truyền, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Công tác hỗ trợ pháp lý đã được các đơn vị, doanh nghiệp phối hợp thực hiện và phát huy hiệu quả thiết thực, qua đó góp phần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý về thực thi pháp luật với doanh nghiệp.
Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp |
Những năm gần đây, Sở Tư pháp đã tập trung chỉ đạo quyết liệt để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ sở. Sở đã triển khai Phần mềm quản lý hộ tịch dùng chung, Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử, thực hiện tích hợp thủ tục đăng ký khai sinh tỉnh Quảng Ninh vào Cổng dịch vụ công quốc gia; hàng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã.
Sở đã tham mưu ban hành nhiều Đề án, Chiến lược, Kế hoạch để phát triển đội ngũ luật sư, công chứng, đấu giá, trợ giúp pháp lý... đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách tư pháp của tỉnh. Sở đã đẩy mạnh cải cách hành chính, từng bước thực hiện xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước; gắn với thời kỳ hình thành, cơ bản hoàn chỉnh các thiết chế bổ trợ tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp. Đã đề xuất UBND tỉnh phương án sắp xếp lại địa điểm đặt trụ sở các Văn phòng công chứng; thực hiện chuyển đổi mô hình Phòng Công chứng số 2 thuộc Sở Tư pháp thành Văn phòng công chứng; thành lập Hội công chứng viên tỉnh; xây dựng Quy định tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; tham mưu tổ chức tốt Đại hội Đoàn luật sư Quảng Ninh; triển khai chế định Thừa Phát lại; phối hợp thành lập Trung tâm giám định pháp y; thực hiện trợ giúp pháp lý với gần 6.000 vụ việc (trong đó tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ gần 600 vụ việc).
Sở Tư pháp đã ban hành Quy chế tiếp công dân, quyết định giao nhiệm vụ, phân công cán bộ tiếp công dân, thực hiện tiếp nhận và giải quyết đơn thư theo đúng quy định. Sở Tư pháp tiếp nhận gần 100 đơn thư và đã xử lý theo quy định đối với những đơn thuộc thẩm quyền, hướng dẫn công dân đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết đối với những đơn không thuộc thẩm quyền. Tiến hành trên 70 cuộc thanh tra trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, công tác chứng thực tại các địa phương và tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp; kịp thời đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị, địa phương khắc phục, sửa chữa sai phạm sau thanh tra.
Sở Tư pháp đã quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực của ngành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức. Đã tham mưu cho Tỉnh thực hiện tốt vai trò là cơ quan chủ trì nội dung về cải cách thể chế tại địa phương, góp phần đưa tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu trong công tác cải cách hành chính trong 03 năm 2017, 2018, 2019. Chỉ số xếp hạng cải cách hành chính của Sở năm 2018 xếp thứ 04/21, năm 2019 xếp thứ 03/21 Sở, ban, ngành.
Sở Tư Pháp Quảng Ninh được UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong tham mưu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao PCI năm 2019 |
Trong công tác tổ chức cán bộ, Sở Tư pháp đã nghiêm túc thực hiện Đề án 25 của tỉnh, giảm 02 phòng, từ 09 phòng xuống còn 07 phòng, 01 đơn vị sự nghiệp thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động sang doanh nghiệp; 03 đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ 100% kinh phí hoạt động; giảm 02 Chi nhánh của Trung tâm Trợ giúp pháp lý để sáp nhập, tăng cường cho Phòng Nghiệp vụ của Trung tâm. Sở đã xây dựng Đề án vị trí việc làm, Đề án tinh giản biên chế; ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ; Quy chế thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Tư pháp; định kỳ rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo từng giai đoạn; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức...
Tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh |