Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Sóc Trăng: Phát triển kinh tế, gắn với giải quyết các vấn đề xã hội

(PLVN) - Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Sóc Trăng hướng đến đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đặt yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người trong tỉnh bằng bình quân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 
Tỉnh Sóc Trăng quyết tâm đưa địa phương phát triển nhanh, bền vững.
Tỉnh Sóc Trăng quyết tâm đưa địa phương phát triển nhanh, bền vững.

Khai thác hiệu quả các tiềm lực kinh tế 

Trong 5 năm qua, với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết và quyết tâm cao, tỉnh Sóc Trăng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, có 2 chỉ tiêu cơ bản đạt, 18 chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết. Kế thừa những thành tựu và nhìn nhận những hạn chế, tồn tại, lãnh đạo và nhân dân Sóc Trăng quyết tâm, nỗ lực đề ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực góp phần đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh và bền vững.

Tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng các ngành hàng chủ lực “thuỷ sản, lúa đặc sản, cây ăn trái”, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, hướng đến ứng dụng công nghệ cao, theo nhu cầu thị trường, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, liên kết tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu.

Đẩy mạnh phát triển lúa đặc sản, lúa chất lượng cao các loại, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ nâng tỷ lệ sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 80% tổng sản lượng lúa. Đồng thời, tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng ven biển của tỉnh để phát triển tổng hợp kinh tế biển. 

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng năng lượng, ưu tiên phát triển các lợi thế của tỉnh như: Công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất điện… Khẩn trương hoàn thành các thủ tục, triển khai đầu tư, kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp,  các cụm công nghiệp, các nhà máy nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời...

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá; kết nối cung cầu, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại các quốc gia, vùng lãnh thổ xuất khẩu trọng điểm của tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu. 

Để “tạo đà” cho các ngành phát triển, tỉnh đặc biệt quan tâm đến đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội: Tranh thủ Trung ương bổ sung quy hoạch, kêu gọi đầu tư cảng biển nước sâu Trần Đề; đầu tư kéo dài tuyến Quốc lộ 60, Quốc lộ 61B; đầu tư cầu Đại Ngãi; đề xuất, kiến nghị Trung ương nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ qua địa bàn.

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng vùng nuôi thuỷ sản huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu; hệ thống thuỷ lợi phục vụ sản xuất ở các huyện: Thạnh Trị, Mỹ Tú, Châu Thành và thị xã Ngã Năm; các dự án nạo vét hệ thống thuỷ lợi trữ ngọt kết hợp phòng, chống ngập úng, hạn mặn trên địa bàn tỉnh. Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững; Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Trần Đề; các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Ngoài ra, đầu tư xây dựng phát triển đồng bộ hạ tầng theo định hướng phát triển đô thị thông minh, xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở, trung tâm thương mại,... tại các đô thị. Phấn đấu hoàn chỉnh các tiêu chí đô thị loại II đối với TP Sóc Trăng... 

Tập trung chăm lo cho nhân dân

Bên cạnh phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống, sức khỏe của người dân cũng được địa phương quan tâm thực hiện. Chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, y đức của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ ngành y tế; thực hiện tốt công tác y tế dự phòng và ngăn ngừa dịch bệnh. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ các cơ sở khám, chữa bệnh công lập theo lộ trình, xã hội hoá đầu tư các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập.

Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trung tâm y tế tuyến huyện, trung tâm kiểm soát bệnh tật, trạm y tế xã; khai thác hiệu quả cơ sở vật chất ngành y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. 

Thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động, tăng cường kết nối cung - cầu lao động của tỉnh với vùng ĐBSCL và cả nước. Đẩy mạnh giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách, giải pháp tạo việc làm gắn với nâng cao chất lượng việc làm và thu nhập cho người lao động, bảo đảm chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế; nâng cao tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức, tập trung giải quyết việc làm cho khu vực phi chính thức.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án chính sách về giảm nghèo bền vững; các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất; tạo điều kiện để các đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản, vươn lên hoà nhập cộng đồng; thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư trong tỉnh.

Quan tâm chăm sóc người cao tuổi. Đẩy mạnh việc thực hiện các quyền của trẻ em, thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em nhằm tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ em.

Thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh và đất nước.

Đọc thêm