Tư pháp Sóc Trăng tiếp tục khẳng định vị thế trong giai đoạn mới

(PLVN) - Bên cạnh công tác chuyên môn, Sở Tư pháp Sóc Trăng còn được lãnh đạo tỉnh tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng khác. Ngành Tư pháp phát huy hiệu quả vai trò “gác cửa” tại địa phương, thường xuyên tham mưu tỉnh ủy, UBND giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp lý.


 Chú trọng tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh

Từ đầu năm 2020 đến nay, công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật. Việc ban hành VBQPPL của địa phương được siết chặt đúng quy định. HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã không ban hành VBQPPL khắc phục tình trạng ban hành VBQPPL không đúng thẩm quyền. Thường xuyên rà soát các VBQPPL trong lĩnh vực tư pháp để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ.

Theo lãnh đạo sở, để công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đạt hiệu quả, bên cạnh việc tổ chức hội nghị triển khai pháp luật, tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền, tư pháp Sóc Trăng còn không ngừng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin để nối dài hiệu quả hoạt động.

Ông Phạm Tuân, Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng cho biết, từ đầu năm đến nay, công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật
 Ông Phạm Tuân, Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng cho biết, từ đầu năm đến nay, công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật

Thực hiện đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019 – 2021 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”, Sở đã thành lập Fanpage Phổ biến, giáo dục pháp luật Sóc Trăng. Đồng thời, đang tiến hành xây dựng Trang thông tin điện tử PBGDPL dùng chung toàn tỉnh trên cơ sở nâng cấp Chuyên mục PBGDPL trên Cổng thông tin điện tử của Sở. Liên kết, chia sẻ, cập nhật đầy đủ thông tin về pháp luật đồng bộ, thống nhất trong tỉnh nhằm ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL hiện nay.

Đặc biệt, công tác phổ biến phải hướng đến thực tế và nhu cầu nắm bắt của người dân. Theo đó, Sở đã tập trung phổ biến giáo dục pháp luật về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền pháp luật về phòng chống dịch Covid-19, trong đó chú trọng việc quán triệt tổ chức cá nhân tực giác tuân thủ, chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh.

Tập trung vào Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Luật Dược năm 2016 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, thông tin kịp thời, đẩy đủ về diễn biến tình hình dịch bệnh của Việt Nam và tình hình cụ thể của Sóc Trăng đến toàn thể người dân để góp phần tránh trường hợp thông tin không chính xác, gây hoang mang trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, Sở còn tổ chức 20 hội nghị tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, phường, thị trấn cho cán bộ, công chức và nhân dân với trên 2.600 đại biểu tham dự theo Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2013-2016” và đề án đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giai đoạn 2015 – 2020” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Đặc biệt, trong thời gian qua, công tác hòa giải cơ sở có thể xem là điểm sáng của Sóc Trăng. Sở thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tọa đàm có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, Thẩm phán tòa án để hướng dẫn hòa giải quyết xử lý các tình huống khó trong quá trình thực hiện công tác hòa giải tại địa phương. Từ mô hình đó mà trình độ, kỹ năng hòa giải viên được nâng cao, chất lượng hòa giải thành luôn đạt trên 80%. Công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được triển khai trên toàn tỉnh, đáp ứng được nhu cầu của công dân và từng bước góp phần cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.

Đề cao hiệu quả công tác thanh, kiểm tra

Nhằm đẩy mạnh hiệu quả hoạt động, Sở thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra khảo sát hoạt động các đơn vị. Qua đó, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương để từ đó có hướng đề xuất, tham mưu chấn chỉnh hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đúng thời gian quy định. Công tác trợ giúp pháp lý có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan nên hoạt động ngày càng chất lượng và có hiệu quả. Nhìn chung, hiệu quả hoạt động của các tổ chức giám định từng bước được nâng lên. Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra, khảo sát tại 4 huyện và 14 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác tập huấn cho hòa giải viên cơ sở và tuyên truyền viên pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động.
 Tăng cường công tác tập huấn cho hòa giải viên cơ sở và tuyên truyền viên pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ông Phạm Tuân, Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng cho biết, để công tác tư pháp Sóc Trăng tiếp tục khẳng định vị thế và phát huy đúng vai trò hoạt động, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh ủy, Uỷ ban. Đồng thời làm tốt công tác “gác cổng”, thẩm định văn bản. Đối với những công tác ngoài chuyên môn được lãnh đạo tỉnh giao phó, Sở sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ lực trong công tác tham mưu, thẩm định. Đặc biệt, tại sở đã thành lập Tổ Tư vấn tham mưu những vấn đề ngoài chuyên môn để có thể thực hiện tốt nhất công việc lãnh đạo tỉnh giao.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng lực công tác tổ chức thi hành pháp luật nói chung và theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính nói riêng được tốt hơn. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. “Trong đó, có những chế tài cụ thể gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện công tác tổ chức thi hành pháp luật tại địa phương”, ông Tuân nhấn mạnh.

Đồng thời, thực hiện công tác kiểm tra và bồi dưỡng về nghiệp vụ đối với các hoạt động thuộc lĩnh vực hành chính tư pháp; đẩy mạnh hướng dẫn và đào tạo về nghiệp vụ hộ tịch cho công chức Tư pháp – Hộ tịch tại Phòng Tư pháp và UBND cấp xã. Giải quyết kịp thời các yêu cầu của công dân về hô tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp theo thẩm quyền.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tại địa phương. “Sở sẽ tiến hành thanh kiểm tra đột xuất khi phát hiện có sai phạm hoặc theo yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực Tư pháp. Tuân thủ thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Thực hiện tốt pháp luật phòng chống tham những và nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng của đơn vị đề ra. Gắn công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo với phòng chống tham những”, ông Tuân khẳng định.

Đọc thêm