“Soi” kỹ chợ đầu mối, điểm tập kết hàng gần biên giới

(PLVN) - Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT), sau khi ngành này chuyển đổi mô hình hoạt động theo ngành dọc.
Kiểm soát thị trường vẫn là ưu tiên hàng đầu của Tổng cục QLTT sau khi hoàn thiện công tác tổ chức theo mô hình mới
Kiểm soát thị trường vẫn là ưu tiên hàng đầu của Tổng cục QLTT sau khi hoàn thiện công tác tổ chức theo mô hình mới

Kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu

Đại diện Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, để không làm gián đoạn hoạt động chuyên môn ở 63 địa phương, bên cạnh công tác ổn định tổ chức, Tổng cục đã tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. 

Tổng cục cũng đã trình Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định mẫu, quy cách, chế độ cấp phát, quản lý, sử dụng số hiệu, biển hiệu, phù hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, trang phục của lực lượng QLTT; Thông tư quy định về Thẻ kiểm tra thị trường; Thông tư quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng QLTT. 

Ngoài ra, Tổng cục cũng ban hành Công văn hướng dẫn một số nội dung về hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT, tổ chức phổ biến, hướng dẫn cho lực lượng QLTT địa phương triển khai thực hiện theo quy định. 

Đặc biệt, Tổng cục đã tổ chức các Hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cho lực lượng QLTT cả nước.  Ông Nguyễn Tiến Đạt - phụ trách Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT) cho biết, các lớp tập huấn được tổ chức rất nghiêm túc, học viên (là các kiểm soát viên thị trường) được trao đổi về tất cả vướng mắc trong các hoạt động thực thi công vụ. Kết thúc tập huấn, học viên đều phải làm một bài kiểm tra và Tổng cục đã tiến hành chấm điểm cho từng kiểm soát viên.

Một trong những hoạt động đáng chú ý nữa của lực lượng này kể từ khi tiến hành chuyển đổi mô hình hoạt động theo ngành dọc là việc phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức hội thảo về chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm trang bị thêm kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn cho lực lượng thực thi trong công tác phân biệt hàng thật - hàng giả.

Công tác về kiểm soát thị trường đã được lãnh đạo Tổng cục QLTT đặt ra với yêu cầu cao nhất, nhằm đảm bảo lực lượng trên cả nước tập trung kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Các hoạt động kiểm tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, chất lượng và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được triển khai cụ thể xuống từng địa bàn.

Mới đây, Tổng cục lại tiếp tục chỉ đạo lực lượng QLTT địa phương chủ động nắm bắt diễn biến thị trường, dự báo tình hình, tiếp nhận, thẩm tra, xác minh thông tin từ thông tin đại chúng hoặc từ phản ánh của người tiêu dùng để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, nổi cộm trên thị trường; Xây dựng và thực hiện các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát theo đặc điểm, tính chất từng địa phương đảm bảo công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo các chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đẩy mạnh hoạt động kiểm tra đặc biệt trong dịp lễ, Tết.

Chú ý các địa bàn trọng điểm 

Tổng cục trưởng QLTT Trần Hữu Linh khẳng định, trước tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, để đảm bảo hoạt động hiệu quả, lực lượng này sẽ phải tập trung đẩy mạnh và đổi mới phương thức hoạt động, cách thức tổ chức thanh tra, kiểm soát thị trường để đạt hiệu quả cao hơn. 

Trong đó, việc xây dựng kịp thời các kế hoạch, phương án cụ thể, triển khai đồng bộ, thường xuyên hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm được ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, nhắm đến các hoạt động tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ, Tết.

Việc tập trung kiểm tra hoạt động kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa đã mang lại một số kết quả khá tốt như vụ thu giữ số lượng hàng hóa mỹ phẩm lên đến hơn 3 tỷ của lực lượng QLTT Lạng Sơn, vụ thu giữ thực phẩm chức năng có giá trị lên đến 3 tỷ đồng của lực lượng QLTT Hà Nội… 

Ngoài ra công tác kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng, tập trung một số mặt hàng trọng điểm như thuốc lá, rượu, thực phẩm, phân bón, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm chức năng...  cũng vẫn được chú trọng triển khai bằng nhiều phương thức khác nhau. 

Ông Linh cũng cho biết, năm 2019, Tổng cục sẽ tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt… nhất là các địa bàn trọng điểm tại các tỉnh biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Long An, Tây Ninh, An Giang và các địa bàn tập trung đông dân cư, có sức tiêu thụ hàng hóa cao, như các trung tâm kinh tế Hải Phòng, Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu…  

Đọc thêm