Sớm hoàn thiện khung pháp lý về trung gian thanh toán

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mặc dù đóng góp tích cực trong cung ứng dịch vụ thanh toán, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19, song cho đến nay, khung pháp lý cho các tổ chức trung gian thanh toán phát triển sản phẩm dịch vụ cũng như đảm bảo an toàn hoạt động vẫn chưa được hoàn thiện.
Trung gian thanh toán lo ngại rơi vào “vùng xám” pháp lý. (Ảnh minh họa)
Trung gian thanh toán lo ngại rơi vào “vùng xám” pháp lý. (Ảnh minh họa)

Hoạt động thông suốt, an toàn hiệu quả

Theo thống kê hiện có khoảng trên 100 doanh nghiệp công nghệ tài chính (Fintech) đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tiếp đến là trong tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng…

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) cho 43 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó có 13 tổ chức là hội viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).

Hiện có khoảng trên 80.000 điểm QR code thanh toán, 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet, 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, 30 ngân hàng thương mại và 06 tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT phối hợp triển khai.

Thời gian qua, với sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức TGTT và Fintech, giao dịch qua các dịch vụ TGTT tăng mạnh. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, dịch vụ cổng thanh toán điện tử tăng 46,7% về số lượng, 42,6% về giá trị; dịch vụ ví điện tử tăng 85,3% về số lượng, 91,5% về giá trị; dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ tăng 47,1% về số lượng, 78% về giá trị; dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền tăng 95,6% về số lượng, 16,9% về giá trị.

Đặc biệt, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được các công ty chú trọng đầu tư, nhất là thanh toán điện tử, với chất lượng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2021, số lượng giao dịch tài chính qua internet banking là gần 325,41 triệu, với giá trị đạt xấp xỉ 17.067,08 nghìn tỷ đồng (tăng 62,50% về số lượng và 32,03% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020); Tương tự, số lượng giao dịch tài chính qua kênh mobile banking đạt gần 862,83 triệu, với giá trị xấp xỉ 10.515,13 nghìn tỷ đồng (tăng 82,71% về số lượng và 115,11% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020).

Theo Tổng Thư ký VNBA, ông Nguyễn Quốc Hùng, các tổ chức TGTT đã thường xuyên kiểm tra rà soát, sửa đổi bổ sung quy trình nghiệp vụ, đào tạo và đào tạo lại cán bộ nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngày càng cao của người dân đồng thời luôn chấp hành quy định pháp luật và chỉ đạo của NHNN trong hoạt động thanh toán.

“Chính vì vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp vừa qua, các đơn vị TGTT đã thực hiện tốt nhiệm vụ dịch vụ của mình một cách thông suốt, an toàn hiệu quả và có những chính sách phù hợp, giảm phí cho người sử dụng…” - ông Hùng đánh giá.

Nhiều vướng mắc pháp lý

Tại cuộc họp mới đây với VNBA, các tổ chức TGTT và Fintech cho rằng họ đang nỗ lực hoạt động trong bối cảnh hành lang pháp lý còn thiếu và chưa đồng bộ để có thể phát triển sản phẩm dịch vụ và đảm bảo an toàn hoạt động.

Theo các DN, hiện ngoài văn bản hợp nhất số 47 có quy định về hoạt động cung ứng ví điện tử, đến nay chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh chi tiết nội dung này. Ngoài ra, cũng chưa có hành lang pháp lý tương ứng giúp TGTT cung cấp dịch vụ cho một số mô hình đặc thù, như các tổ chức từ thiện, trong khi nhu cầu ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, Nghị định 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM ban hành từ năm 2012 đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế do thực tế phát triển, nhiều quy định không còn phù hợp, cần thay thế. Theo đại diện Công ty CP Cổng TGTT Ngân lượng, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox) đến nay chưa có thêm bước tiến mới.

Đại diện Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết, với vai trò của một đơn vị có nhiệm vụ xây dựng hạ tầng thanh toán cho các tổ chức tín dụng cũng như các TGTT, Napas hỗ trợ các tổ chức cả về hạ tầng và khuôn khổ pháp lý. Các TGTT tự kết nối với từng ngân hàng không hiệu quả, tốn mạng lưới, Napas tạo nền tảng để các TGTT kết nối với các ngân hàng.

Thông qua Napas việc kết nối sẽ hiệu quả nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy, việc xác thực điện tử (eKYC) thông qua trung gian có thể có rủi ro rơi vào vùng xám pháp lý. Do đó, cần làm rõ các vấn đề này để các tổ chức có thể tiếp cận, triển khai thúc đẩy ví điện tử phát triển.

Đề cập đến quyền bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng, đại diện Công ty CP Thông tin tín dụng Việt Nam (PCB) cho rằng, trong hoạt động tín dụng, nếu khách hàng có nợ xấu thì các tổ chức trong lĩnh vực ngân hàng, thanh toán, TGTT cần được biết thông tin này để đánh giá xem xét rủi ro trước khi quyết định cấp tín dụng. DN đề nghị việc đề cao quyền bảo vệ thông tin trong trường hợp này cần phải xem xét, nghiên cứu cho phù hợp…

Theo Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng, thời gian tới, VNBA sẽ tiếp tục kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến TGTT như: Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox); Khung thể chế thử nghiệm cho vay ngang hàng (P2P Lending); Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP; Thông tư hướng dẫn về dịch vụ TGTT; Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Giao dịch điện tử…; Đồng thời đẩy mạnh công tác phản biện, tuyên truyền chính sách pháp luật liên quan hoạt động TGTT và công nghệ tài chính ngân hàng nhằm bảo vệ tổ chức hội viên trong đó có nhóm TGTT và Công ty Fintech.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm