"Sống dở chết dở" trên xe khách miền Trung ra Hà Nội

Một chị ở Nghệ An kêu là sống trên đời gần 40 năm, chưa bao giờ chị phải “sống dở chết dở như thế”... Kết thúc gần 8 tiếng đồng hồ từ Nghệ An ra Hà Nội, chị chạy ngay vào nhà vệ sinh nôn đến mức “không còn phèo phổi nữa mà nôn”... Chị ra Hà Nội gần 2 tiếng rồi mà xe chở chồng chị vẫn chưa ra đến nơi. Gọi điện mới biết sau gần 10 giờ khởi hành từ Vinh, anh mới đến… Thanh Hóa.

Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay, đến người dân bình thường nhất cũng đoàn được nhu cầu đi lại sẽ tăng đột biến. Và dự đoán đó đã sớm được cụ thể qua việc quá tải tại các bến xe. Người ra, người vào nườm nượp. Chỉ cần đứng ở điểm trả khách xe buýt ở 1 bến xe cũng phải đếm được hàng chục chiếc xe chở có khi cả trăm người, xe nghiêng sang 1 bên. Biết thế nhưng khách vẫn phải đi. Ở xa quê, 1 năm nghỉ có 1 vài lần, phải tranh thủ về thăm quê.

Người dân phờ phạc, hốc hác sau những chuyến tra tấn trên xe khách sau những dịp nghỉ lễ
Người dân phờ phạc, hốc hác sau những chuyến tra tấn trên xe khách sau những dịp nghỉ lễ

Có lẽ, cách duy nhất để người dân “dễ thở” hơn trong các dịp lễ mà các bến xe có thể làm là tăng chuyến xe. Dịp lễ lần này, bến xe Mỹ Đình đã đối phó với lượng khách tăng 2 – 3 lần ngày thường  là yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tăng cường thêm khoảng 180 lượt xe. 

Bến xe Giáp Bát cũng chọn cách này với hơn 100 lượt xe đã được bổ sung vào những ngày cao điểm để phục vụ hành khách từ bến xe Giáp Bát đi các tuyến: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa. 

Tuy nhiên, giải pháp đó vẫn chỉ là giải pháp tạm thời, không khắc phục được dứt điểm. Bằng chứng là tình trạng ùn ứ, dồn đọng tại tất cả các bến xe trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn ra, mỗi lúc thêm nghiêm trọng. Khổ nhất là lực lượng bảo vệ tại các bến xe. Họ liên tục thổi còi, liên tục giải tỏa, nhưng cuối cùng, nhìn người ra, người vào quá nhiều cũng đành mặc kệ.

Sáng 2/5, sau khi kết thúc kỳ nghỉ 5 ngày, cảnh tượng tại bến xe Mỹ Đình thích hợp nhất với 2 chữ “hỗn độn”. Hỗn độn người ra, hỗn độn người vào, hỗn độn xe ôm, hỗn độn taxi...

Tại nhà chờ, hàng trăm người mặt mũi phờ phạc đợi đến sáng để đón xe bus về nhà. Một bên hành lý quần áo, một bên là quà cáp từ dưới quê lên, nhiều người dựa đầu vào đấy mà ngủ.

Một chị ở Nghệ An kêu là sống trên đời gần 40 năm, chưa bao giờ chị phải “sống dở chết dở như thế”. Là phận nữ, chị ngồi giữa lối đi. Trước ngực là một người đàn ông, sau lưng là một người đàn ông khác. Xe lèn chật ních khách, không cựa quậy nổi. Kết thúc gần 8 tiếng đồng hồ từ Nghệ An ra Hà Nội, chị chạy ngay vào nhà vệ sinh mà bỏ lại hành lý vẫn đang còn trên xe rồi nôn đến mức “không còn phèo phổi nữa mà nôn”.

Chuyện bi hài của chị vẫn chưa kết thúc. Về quê cả 2 vợ chồng, nhưng 2 người phải ngồi 2 xe vì quá đông đúc. Chị ra Hà Nội gần 2 tiếng rồi mà xe chở chồng chị vẫn chưa ra đến nơi. Gọi điện hỏi mới biết là anh đi phải 1 chiếc xe kém chất lượng. Đi giữa đường xe lại “bán khách” cho 1 xe khác để rồi gần 10 giờ khởi hành từ Vinh, xe mới đến…Thanh Hóa.

Bức xúc chưa hết. Nhiều người giật thót mình khi biết giá vé được “áp dụng” cho những ngày nghỉ lễ. Trước dịp lễ, Bến xe Mỹ Đinh cho biết: Đến ngày 25/4, công ty đã nhận được thông báo tăng giá vé của một số đơn vị, cụ thể là 15 đơn vị tăng giá vé trên 36 tuyến xe khách liên tỉnh hoạt động trên các bến. Mức tăng từ 10 đến 25%. Và công ty dự kiến lượng xe tăng cường tại 3 bến (Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm) khoảng 350 lượt xe/ngày.

Thế nhưng, thực tế thì giá vé đã được đội lên gần gấp đôi. Một số người dân từ Hà Tĩnh và Thanh Hóa ra Hà Nội cho biết, giá mỗi vé ngày thường cho tuyến Thanh Hóa – Hà Nội là khoảng 80.000 đồng. Vậy mà hôm nay nhà xe tăng lên tận 150.000 đồng. Còn đi từ Hà Tĩnh, ngày thường 220.000 đồng, hôm nay "đội" lên 350.000 đồng. Không có cơ quan nào quản lý, người dân chỉ biết kêu ca rồi tặc lưỡi móc ví. Đắt hơn nữa cũng phải đi, không thì có cách nào ra đến Hà Nội.

Hoàng Phan

Đọc thêm