Sông Hồng “kêu cứu” (Kỳ 1)

Với chiều dài hơn 500 km trên lãnh thổ Việt Nam, hàng năm dòng sông Hồng cung cấp 122 tỷ m3 nước và 120 triệu tấn phù sa. Thế nhưng, nước sông Hồng đang hao mòn, cạn kiệt và dòng sông quằn quại trong ô nhiễm.
Lần theo dòng nước đang bị đổi màu của sông Hồng, phóng viên Pháp luật Việt Nam có chuyến hành trình từ thượng nguồn con sông này (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) xuôi xuống huyện Văn Yên, Trấn Yên (Yên Bái), đi qua huyện Lâm Thao, Tam Nông (Phú Thọ) và bàng hoàng trước thực trạng: Dòng sông lớn thứ hai của Đông Nam Á đang nhiễm độc nghiêm trọng.

Với chiều dài hơn 500 km trên lãnh thổ Việt Nam, hàng năm dòng sông Hồng cung cấp 122 tỷ m3 nước và 120 triệu tấn phù sa. Sông Hồng có tầm quan trọng bậc nhất trong sinh hoạt đời sống của người dân cũng như trong sản xuất nông nghiệp các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Thế nhưng, hiện nay nước sông Hồng đang hao mòn, cạn kiệt và dòng sông đang quằn quại trong ô nhiễm. Nguồn nước chính cho nông nghiệp các tỉnh phía bắc đã đổi màu.

Sông Hồng có chiều dài 1.149 km, bắt nguồn từ vùng núi tỉnh Vân Nam , Trung Quốc ở độ cao 1.776m. Dòng sông Hồng chảy vào Việt Nam từ thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) nơi hợp lưu với dòng Lũng Pô trước khi chảy dọc biên giới Việt - Trung. Khi tới TP.Lào Cai, sông Hồng chảy hẳn vào lãnh thổ Việt Nam qua 10 tỉnh, thành trước khi đổ về biển Đông.

Nước sông biến màu

Khởi hành từ TP.Lào Cai, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình ngược dòng sông Hồng đi lên thượng nguồn, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Nhiều đoạn sông Hồng chảy qua tỉnh Lào Cai bị váng màu vàng phủ kín
Khi phóng viên có mặt ở chân cầu Cốc Lếu (phường Cốc Lếu, T.P Lào Cai, tỉnh Lào Cai), nơi đây có khoảng 30 chiếc thuyền con đang neo đậu tại bờ sông.

Kể về sự ô nhiễm nơi thượng nguồn này, anh Nguyễn Quang Huy, một lái thuyền lâu năm tại Lào Cai rầu rĩ nói: “Đã hơn một tháng nay, sông Hồng có biểu hiện rất khác thường. Nước sông từ màu đỏ của phù sa chuyển sang lúc thì xanh thẫm, khi hơi xám đen và có thời điểm lại bạc phếch. Tôi hành nghề đánh cá, lái thuyền và sinh sống ở đây gần 25 năm rồi thế nhưng chưa bao giờ chứng kiến điều bất thường như thế”.

“Gần đây, nước sông còn có mùi hôi tanh rất khó chịu. Có thời điểm không ai dám xuống sông vì đứng dưới sông một lúc là bị tức ngực, choáng đầu và khó thở”, anh Huy nói thêm.

Chất thải hóa học tấn công

Ngược theo dòng chảy, chúng tôi được một thuyền chở cát, sỏi chở đến đoạn sông nhìn ra Nhà máy tuyển đồng Sin Quyền (cách trung tâm huyện Bát Xát hơn 10km).

Theo quan sát của phóng viên, khu bể lắng chất thải của nhà máy này án ngự ngay sát bờ sông. Từ trong bể chức, những chất thải đen kịt, đặc sệt bốc mùi hóa chất nồng nặc lên cả khúc sông. Cái bể hóa chất đó chỉ được ngăn cách với sông Hồng bằng những đập đất mỏng manh.

Tiếp theo cuộc hành trình, chúng tôi ngược dòng sông Hồng đi lên địa phận xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) để đến thôn Tân Thành - giao điểm của nhiều con suối với sông Hồng.

Về việc mặt nước nơi đây đen ngòm và bốc mùi hôi tanh, chị Sùng Thị Hơn, một người dân địa phương nói: “Sống bên sông mấy chục năm nay, chưa bao giờ tôi thấy nước sông ô nhiễm như mấy năm gần đây. Có việc này là vì suối Bản Mạc ngày ngày phải tiếp nhận phân của trâu bò, lợn cùng rác thải trong sinh hoạt của người dân. Suối Đà Nặc ở  cách đây khoảng 5 km thì chảy qua mỏ khai thác quặng sắt (thuộc xã Trịnh Tường) nên đen ngòm và nồng nặc mùi kim loại. Vào mùa cạn, thậm chí nước sông khi rút đi còn để lại lớp chất thải lắng đọng hai bên bờ”.

Trong suốt hành trình đi lên thượng nguồn, chúng tôi nhận thấy có một điều lạ thường đó là: Càng tiến sát thượng nguồn, dọc ven bãi sông Hồng càng xuất hiện nhiều hơn các váng đỏ quạch như gỉ sắt và mùi xú uế, hôi tanh càng nồng nặc hơn.

Trung tá Hoàng Văn Luật, Chính ủy viên Đồn biên phòng A Mú Sung lý giải: Sông Hồng (đoạn chảy qua TP.Lào Cai) cũng có hiện tượng ô nhiễm, màu nước chuyển xanh khác lạ, nước có mùi hôi tanh, ven hai bờ sông có nhiều váng mầu vàng lắng đọng.

Dọc triền sông có nhiều đoạn, trên mặt các bãi bồi có kết váng bột màu trắng (giống kết váng tinh bột) và kết váng mầu vàng lắng đọng tỏa mùi hôi thối có dấu hiệu ô nhiễm chất hữu cơ. Trên bãi bồi ven sông bắt đầu xuất hiện các váng bùn xám có mùi tanh. Ngoài ra, nhiều điểm dọc tuyến sông xuất hiện bột trắng khô như người dân rắc vôi bột xuống ao để khử phèn chua, trong nước có dịch nhầy và xơ bã thực vật.

Trẻ em huyện Bát Xát vui chơi trên lòng sông Hồng
Nơi sông Hồng hóa dòng suối con

Trước khi tới đầu nguồn sông Hồng của Việt Nam, nơi ngã ba sông hợp nhất giữa sông Hồng từ Vân Nam (Trung Quốc) và con suối Lũng Pô (thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát), chúng tôi cứ nghĩ nước sông nơi đây sẽ cuồn cuộn như thác tuôn chảy vào đất Việt.

Tổng cục Bảo vệ môi trường mới xét nghiệm các mẫu nước tại 5 điểm trên sông Hồng (suối Lũng Pô, Lũng Pô, Ngòi Phát, Trạm kiểm soát Bản Vược, Trạm thủy văn Lào Cai) và 1 mẫu trầm tích đáy tại Trạm thủy văn Lào Cai. Theo kết quả phân tích ban đầu, nước sông Hồng tại các điểm quan trắc đã bị ô nhiễm bởi thông số COD, tổng Fe, Pb và tổng dầu, mỡ.
Thế nhưng thực tế lại khác hẳn: Nguồn nước nơi đây gần như cạn kiệt! Theo đó, nơi con sông Hồng đổ vào đất Việt không khác gì con lạch, hay dòng suối con.

Trung tá Hoàng Văn Luật cho hay: “Những năm về trước, nước sông nơi đây chảy cuồn cuộn, ào ạt. Thế nhưng một vài năm trở lại đây, dòng sông đã suy kiệt đến không ngờ”. Theo tính toán của anh Luật, mặt nước sông năm nay đã bị thu hẹp gần 50 mét so với vài năm trước.

Có lẽ tính toán của anh Luật là chính xác bởi khi phóng viên đi dọc từ ngã ba sông Hồng (đoạn chảy qua thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung) xuôi xuống đoạn sông thuộc thôn Tân Thành, xã Trịnh Tường, chúng tôi thấy rằng cả đoạn sông dài 20 km ấy đang lâm vào tình trạng thật thê thảm: Lòng sông rộng khoảng trên 200m, nhưng mặt nước chỉ dài chưa đến 10 mét. Do nước cạn như thế nên tàu thuyền không thể đi qua được khúc sông này và đến dứa trẻ 7 tuổi cũng có thể lội bộ qua sông để kiếm củi khô.

(Còn tiếp)

Thiên Minh

Đọc thêm