'Sống không bằng chết' sau 'thông báo nhầm' của BV Đa khoa Tây Ninh

(PLO) -Lúc hạnh phúc vỡ òa khi sinh đứa con đầu lòng cũng là lúc chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên (25 tuổi) đau đớn nhận được tin mình bị nhiễm HIV. Tin rằng án tử đang lơ lửng trên đầu, hai năm qua người phụ nữ ấy không chỉ phải đối mặt với vô vàn ánh mắt kì thị của mọi người, mà còn ám ảnh bởi cảm giác tội lỗi vì cho rằng mình đã mang họa đến cho cả gia đình.  
Chị Tiên cảm thấy may mắn vì suốt hai năm mang tiếng oan bị nhiễm HIV, gia đình nhà chồng vẫn ở cạnh an ủi, động viên.

Bỗng dưng đeo “án tử” trên đầu

Lật tìm văn bản đính chính thông tin về việc mình dương tính với HIV do BV (BV) Đa khoa Tây Ninh cung cấp, chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên (ngụ ấp Xóm Khách, xã Long Giang, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) không giấu được niềm hạnh phúc dâng trào trong đáy mắt.

Chị cười rưng rưng: “Ngày cầm văn bản này trên tay, tôi như được sinh ra một lần nữa vậy. Khoảng thời gian hai năm sống trong cảnh dằn vặt sợ hãi, nơm nớp lo sợ sẽ đối mặt với cái chết bất cứ lúc nào khiến tôi không thể chú tâm vào việc gì. Bây giờ mọi việc đã sáng tỏ, tôi có thể an tâm sống cuộc đời bình thường”.

Sinh ra ở huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh), năm 2013, sau quãng thời gian dài tìm hiểu, chị Tiên cùng anh Huỳnh Công Nghĩa (26 tuổi) lập gia đình vào năm 2013. Sau khi kết hôn, đôi vợ chồng ra ở riêng, xây căn nhà nhỏ trên phần đất cạnh nhà của cha mẹ chồng.

Người chồng làm nghề chụp hình cưới, vợ mở tiệm cắt tóc, trang điểm, cho thuê váy áo. Nhờ chăm chỉ làm việc lại biết cách chi tiêu, cuộc sống của hai vợ chồng cũng có của ăn của để. Hạnh phúc trở nên viên mãn hơn khi tháng 9/2014 chị sinh hạ một bé trai kháu khỉnh, bụ bẫm. 

Thế nhưng, niềm hạnh phúc kéo dài chưa được bao lâu thì đôi vợ chồng trẻ như bị sét đánh ngang tai khi hay tin người vợ bị nhiễm HIV.

“Vừa sinh xong, bác sĩ đến thông báo tôi dương tính với HIV, yêu cầu không được cho bé dùng sữa mẹ để tránh nguy cơ lây nhiễm. Nằm trên giường bệnh, tôi nghe tin mà cảm tưởng như trời đất sụp xuống dưới chân mình vậy. Điều đáng sợ hơn là tôi không biết chồng con có bị nhiễm bệnh hay không”, chị Tiên nhớ lại.

Theo lời chị, sau 3 ngày không cho con bú bằng sữa mẹ, một bác sĩ cho biết có thể cho bé bú trở lại bình thường nhưng không giải thích rõ lý do. Cứ thế, sản phụ ra viện với tâm trạng chán chường, tuyệt vọng vì mang trên mình căn bệnh thế kỷ, có thể “ra đi” bất cứ lúc nào. Không chỉ thế, người phụ nữ luôn tự vấn bản thân vì sao mình bị nhiễm bệnh.

Chị tâm sự: “Tôi nghĩ mãi cũng không biết mình bị nhiễm bệnh trong trường hợp nào. Trong khi đó, anh Nghĩa chì chiết tôi không giữ đức hạnh, lang chạ bên ngoài nên mang mầm bệnh về cho chồng, con. Tôi uất ức bảo biết đâu chính anh là người “mây mưa” bên ngoài về lây bệnh cho vợ cũng nên. Rồi khi bình tĩnh lại, chúng tôi đều nhận thấy những giả thiết đưa ra là không có cơ sở”.

Dù nửa tin nửa ngờ về kết quả xét nghiệm, nhưng phần vì sức khỏe yếu, phần vì không đủ can đảm để đi xét nghiệm lần nữa, cả hai vợ chồng đều buông xuôi, chấp nhận số mệnh. “Tôi sợ, nếu đi xét nghiệm, bất kì ai trong gia đình có kết quả dương tính, có lẽ chúng tôi sẽ suy sụp nên cứ lần lữa mãi. Chúng tôi dự định cứ để như thế, tự huyễn hoặc mình không biết thì sẽ không lo lắng”, người vợ sụt sùi kể. 

Thế nhưng, thông tin người bệnh nhiễm HIV đã sớm được BV Đa khoa Tây Ninh gửi đến Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Tây Ninh, yêu cầu phía Trung tâm tư vấn, quản lý người bệnh chặt chẽ để tránh lây nhiễm cho cộng đồng, đồng thời giúp người bệnh hòa nhập với cuộc sống. Hai tháng sau từ BV trở về, chị Tiên nhận được điện thoại từ cán bộ y tế xã cho biết sẽ xuống xác minh sự việc. 

Hai năm “sống không bằng chết”

Nhắc đến khoảng thời gian hai năm đã trôi qua, chị Tiên cho rằng, đó là khoảng thời gian khổ sở nhất trong cuộc đời chị mà dù cố quên đi bao nhiêu lần vẫn chưa thể.  

Sau khi xuất viện trở về nhà, cả hai vợ chồng luôn ở trong tâm trạng rối bời, mỗi người cất giấu những nỗi niềm riêng, chẳng ai nói với ai lời nào. Những ngày tháng vợ ở cữ sau khi sinh, dù anh Nghĩa vẫn săn sóc chu đáo cho vợ con, nhưng người vợ nhạy cảm có thể nhận ra được trong ánh mắt, hành động đều tỏ rõ sự xa cách.

Mặc cảm vì mình bị bệnh, chị Tiên cũng chủ động giữ khoảng cách với tất cả mọi người. Chính vì vậy, cuộc sống của chị trở nên khép kín, suốt ngày chỉ quanh quẩn với bốn bức tường, không tiếp xúc với ai. Mọi việc lo toan trong gia đình đều do một tay mẹ chồng chu toàn. 

Người phụ nữ cũng ngại ngùng khi chia sẻ rằng, cũng vì chuyện này mà suốt hai năm qua, vợ chồng chị không dám “gần gũi”. “Mỗi tối, anh đều âm thầm ôm chăn gối qua nhà cha mẹ ngủ. Tôi dù buồn khổ, ê chề, nhưng cũng không thể làm gì khác được. Đôi lần cha mẹ sinh nghi, dò hỏi, tôi cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện chứ chẳng dám nói rõ lý do”, người vợ tâm sự.

Để giữ cuộc sống không bị xáo trộn nhiều, đôi vợ chồng trẻ đã cố giấu chuyện mình mang trong mình căn bệnh thế kỷ, nhưng chị Tiên cũng bất lực khi cho rằng không hiểu lý do vì sao hầu hết những người dân địa phương đều biết.

“Dù chúng tôi đã giấu kín, cũng không ai nói gì, nhưng có vẻ ai nấy đều ngầm hiểu là phải giữ khoảng cách. Tôi chẳng dám ra đường gặp ai, ngay cả đối diện với chồng, với con, với cha mẹ tôi cũng chẳng có dũng khí”.

Chị tâm sự thêm: “Đôi lúc tuyệt vọng cùng cực, tôi cũng có ý định chết quách cho xong, nhưng nhìn con còn đỏ hỏn, nhìn chồng vất vả ngược xuôi, tôi lại không đành. Chẳng biết tâm sự cùng ai, những lúc không thể kìm nén, tôi chỉ biết lặng lẽ chạy xe về nhà mẹ đẻ khóc một trận cho thỏa rồi thôi.”

Nghe những lời con dâu thủ thỉ, ông Huỳnh Công Trãi (64 tuổi, cha chồng chị Tiên) tâm sự, từ sau khi sinh con, ông đã thấy mối quan hệ của hai con có vấn đề nhưng không dám gặng hỏi lý do.

“Ban đầu, tôi cứ ngỡ chúng cãi nhau dăm ba bữa rồi lại làm hòa thôi. Không ngờ sự việc cứ kéo dài mãi. Cho đến một lần, tôi tình cờ nghe những người hàng xóm tụm năm tụm bảy kể chuyện con dâu tôi bị HIV. Tôi về kể lại với bà xã. Sau nhiều đêm suy nghĩ, chúng tôi cũng quyết định giữ im lặng, coi như không biết gì để con dâu được yên tâm, không phải chịu đựng bất kì tổn thương nào”.

Song, ông Trãi cũng ủ rũ khi cho biết, khoảng thời gian đó là chuỗi ngày tồi tệ căng thẳng với gia đình. Ai nấy đều nơm nớp lo sợ ngày phải thực sự đối mặt với thời khắc sinh tử do mầm bệnh HIV gây ra.

Giọt nước mắt hạnh phúc ngày “trắng án”

Những ngày cay đắng, tủi hổ trong cuộc đời chị Tiên cứ thế nặng nề trôi qua, nếu không có sự việc vô cùng hy hữu xảy ra. 

Trưa ngày 20/10/2016, một người hàng xóm thân thiết bất ngờ tìm đến nhà chẳng kiêng dè thẳng thừng hỏi: “Có phải em bị nhiễm HIV không?”. Bị chạm đến nỗi đau đè nén bấy lâu, chị Tiên như muốn vỡ òa nức nở, nhưng vẫn cố rắn rỏi để hỏi xem ai là người tung tin.

Khi đối chất “ba mặt một lời”, người được cho là đã tung tin chối phắt đi, kêu oan, trách người hàng xóm vu oan, làm mất tình làng nghĩa xóm với chị Tiên. Trong khi đó, người hàng xóm lại cho rằng người này ăn nói lật lọng. Không ai chịu nhường ai, hai người cự cãi rồi xảy ra mâu thuẫn cực kì gay gắt.

Đỉnh điểm là hai bên lao vào “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý. Sự việc này vô tình khiến thông tin chị Tiên bị nhiễm HIV mà gia đình cố công giấu bao lâu nay chính thức được công khai.

Sự việc vỡ lở, bà con lối xóm bàn ra tán vào, gia đình khuyên chị Tiên nên đi xét nghiệm cho chắc chắn. Được sự động viên, ủng hộ của gia đình, ngày 24/10/2016, vợ chồng chị Tiên đến Trung tâm Y tế tỉnh Tây Ninh xét nghiệm. Trước khi đi, người phụ nữ còn sợ hãi, tuyệt vọng đến mức đã để lại “tâm thư” cho biết sẽ tự tử nếu như bị nhiễm HIV.

Nhưng, may mắn đã mỉm cười với chị Tiên và gia đình khi thông báo kết quả âm tính. Chị cười hiền: “Lúc nhận được thông báo, hai vợ chồng tôi ôm nhau mỉm cười mãn nguyện. Tôi cảm nhận được những giọt nước mắt của chồng rơi trên vai tôi nóng hổi. Đó là lần đầu tiên vợ chồng tôi tiếp xúc cơ thể với nhau sau hai năm dài đằng đẵng”.

Chị Tiên cũng cho biết thêm, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm chính thức, chị đã làm đơn khiếu kiện BV Đa khoa tỉnh Tây Ninh và các đơn vị liên quan. Lãnh đạo BV đã công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần vì sự nhầm lẫn tai hại khiến gia đình chị phải sống khốn khổ suốt hai năm qua. 

Tháo gỡ được “án tử” trên đầu, hạnh phúc đã trở lại trong căn nhà nhỏ. Chị Tiên lại bắt đầu cuộc sống bình thường trong vai trò của một người mẹ, người vợ. Chị lại xách giỏ đi chợ, chuẩn bị những mâm cơm nóng hổi cho chồng con.

Những người hàng xóm cũng trở nên niềm nở hơn sau khoảng thời gian dài xa cách. Và điều khiến người phụ nữ cảm thấy may mắn và an ủi nhất chính là chồng và cha mẹ chồng đã không hắt hủi chị trong lúc chị thấy cuộc sống của mình bế tắc, tuyệt vọng nhất.

Đọc thêm