“Song mã” chạy đua vào Nhà Trắng

(PLO) - Không nằm ngoài dự đoán, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và “ông trùm” bất động sản Donald Trump đã đại thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra tại 12 bang và một vùng lãnh thổ của Mỹ trong ngày “Siêu thứ Ba” mang ý nghĩa quyết định.
Ngày “Siêu Thứ Ba”.
Ngày “Siêu Thứ Ba”.

Giành ưu thế

Với chiến thắng tiếp theo tại bang Massachusetts, bà Clinton đã giành được ưu thế tại 7 trong tổng số 11 bang tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ trong ngày bầu cử “Siêu thứ Ba”. Sáu bang bà đã giành được chiến thắng trước đó là Georgia, Virginia, Alabama, Tennessee, Arkansas, Texas và vùng lãnh thổ hải ngoại Samoa. 

Như vậy, chỉ tính riêng trong ngày “Siêu thứ Ba”, cựu Ngoại trưởng Clinton đã giành được ít nhất 441 suất đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ, nâng tổng số ghế đã nhận được lên ít nhất 984. Đối thủ duy nhất của bà là Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders đã giành thắng lợi tại 4 bang gồm Vermont, Oklahoma, Colorado và Minnesota với ít nhất 262 suất ghế đại biểu trong ngày “trọng đại” này, nâng tổng số ghế đã nhận được lên ít nhất 349. 

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. 

Bên phía đảng Cộng hòa, ngoại trừ bang Alaxca vẫn đang kiểm phiếu, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy tỷ phú Donald Trump tiếp tục dẫn đầu tại hai bang Arkansas và Vermont. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, “ông trùm” bất động sản đã giành thắng lợi tổng cộng tại 7 trong số 11 bang tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa trong ngày “Siêu thứ Ba”.

“Ông trùm” bất động sản đã giành được thêm 186 ghế đại biểu trong ngày 1/3, nâng tổng số ghế đại biểu giành được cho đến nay lên ít nhất 268 ghế tham dự Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa. Đối thủ luôn bám sát, Thượng nghị sĩ Ted Cruz đã giành được thắng lợi tại 2 bang gồm Texas và Oklahoma và giành được thêm ít nhất 125 ghế đại biểu.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Marco Rubio đến từ Florida mới chỉ giành được chiến thắng duy nhất tại bang Minnesota với ít nhất 62 ghế đại biểu.

Các cuộc bầu cử sơ bộ trong ngày “Siêu thứ Ba” năm nay là lần đầu tiên chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 diễn ra trên phạm vi toàn quốc và quyết định 595 phiếu đại biểu trên tổng số 2.472 phiếu đại biểu của đảng Cộng hòa và 865 phiếu trên tổng số 4.763 phiếu đại biểu của đảng Dân chủ.

Một ứng viên Cộng hòa cần giành được 1.237 phiếu đại biểu để được bầu chọn làm ứng cử viên tổng thống của “Những chú voi” (biệt danh của đảng Cộng hòa), trong khi một ứng cử viên Dân chủ cần có được ít nhất 2.382 phiếu đại biểu để sở hữu tấm vé duy nhất đại diện cho “Những chú lừa” (biệt danh của đảng Dân chủ) trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.

Định hình cuộc đua “song mã”

Trước sự kiện được cho là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, hai ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa và Dân chủ là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và tỷ phú Donald Trump đã có những bứt phá ngoạn mục khi liên tục dẫn đầu các cuộc đua riêng rẽ của hai đảng tại các bang tiến hành bầu cử sơ bộ trước đó. 

Là ứng cử viên nữ duy nhất song cựu Đệ nhất phu nhân Clinton luôn thể hiện trước công chúng một phong thái mạnh mẽ, chuyên nghiệp, không hề thua kém một chính khách nam nào. Khoảng thời gian nắm giữ chiếc ghế Ngoại trưởng Mỹ đã giúp bà tạo dựng được hình ảnh người phụ nữ quyền lực, có đủ khả năng trở thành người đứng đầu nước Mỹ.

Khi đánh giá về hai ứng cử viên tiềm năng trong cuộc đua giành đề cử trong nội bộ đảng Dân chủ, Tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã nhận định chính bà Clinton, chứ không phải ông Bernie Sanders, mới là ứng cử viên hiểu rõ những yêu cầu và bản chất công việc của một tổng thống. 

Tỷ phú Donald Trump
Tỷ phú Donald Trump

Trong khi đó, không tỏ ra kém cạnh với bà Clinton, “ông trùm” bất động sản Trump ngày càng chứng tỏ là một ứng cử viên tiềm năng nhất so với 4 đối thủ còn lại của đảng Cộng hoà ra tranh chức Tổng thống Mỹ. Khi mới bắt đầu tham gia cuộc đua, “người ngoại đạo” Trump được coi là một “nhân tố lạ”, gây chú ý bởi những phát ngôn gây sốc.

Tuy nhiên, những diễn biến gần đây trong 4 cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hoà lại khiến các ứng cử viên “truyền thống” phải giật mình và buộc phải thừa nhận ông Trump là một đối thủ đáng gờm.

Phần lớn sức thu hút mà ông Trump có được là do bối cảnh nền kinh tế hiện vẫn đang vật lộn để đi lên sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri đảng Cộng hòa tin rằng ông Trump là lựa chọn tốt nhất để điều hành nền kinh tế nhờ vị thế nhà tài phiệt tỷ phú của ông, trái ngược với hai ứng cử viên bám đuổi sát nút là ông Marco Rubio và ông Ted Cruz, đều không phải là nhà kinh doanh.

Hơn nữa, những người ủng hộ ông Trump không hài lòng với cái mà họ coi là lối lãnh đạo nhạt nhòa hiện nay của Nhà Trắng cũng như Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát. Về chính sách đối ngoại, nhiều người ủng hộ ông Trump tuyên bố họ mệt mỏi với thái độ do dự của Nhà Trắng trước mối đe dọa khủng bố mà Mỹ và phương Tây đang phải đối mặt.

Cử tri lo lắng

Trong khi cuộc đua vào Nhà Trắng đang mỗi lúc một nóng thì nhiều cử tri Mỹ đang tỏ ra lo lắng. Theo khảo sát của hãng Gallup trong tháng 3 này, người Mỹ có xu hướng coi kinh tế là vấn đề nghiêm trọng nhất của nước Mỹ. 1/4 số người được hỏi cho biết quan ngại lớn nhất của họ là “nền kinh tế” nói chung hoặc “tỷ lệ thất nghiệp và vấn đề việc làm”. Các khảo sát khác cho thấy đa số người Mỹ thậm chí còn cho rằng nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn suy thoái, cho dù cuộc Đại Suy thoái đã chính thức chấm dứt từ tháng 6/2009.

Trong khi đó, theo một cuộc điều tra mới đây của hãng tin AP, tiến hành thu thập ý kiến của gần 30 chuyên gia kinh tế, đa số người được hỏi cho rằng Mỹ vẫn đủ “kiên cường” để đối phó với sự đình trệ toàn cầu và việc các thị trường chứng khoán lao dốc - những nhân tố đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái mới ở Mỹ.

Họ nói rằng, trong bối cảnh tăng trưởng việc làm khá vững chắc, tiền lương và chi tiêu tăng lên sẽ giúp xoa dịu các mối đe dọa toàn cầu và hỗ trợ tăng trưởng. Đa số cho rằng các nhà đầu tư chứng khoán đã phản ứng quá mức trước việc giá dầu sụt giảm mạnh và tình trạng đình trệ ở Trung Quốc. Họ dự đoán chỉ có 19% khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới. 

Trong “mùa bầu cử” hiện nay, vốn đang khuấy động cuộc tranh luận phân cực về vấn đề nhập cư, đa số chuyên gia kinh tế miêu tả người nhập cư là ưu thế bổ sung cho nền kinh tế. Họ nhấn mạnh rằng những người nhập cư đa phần là người trẻ và sẽ giúp mở rộng lực lượng lao động để thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, người nhập cư có xu hướng khởi khiệp các doanh nghiệp mới hơn là người dân Mỹ.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao lại có sự khác biệt giữa quan điểm lạc quan của các chuyên gia kinh tế và sự lo lắng của các cử tri? Trước hết, mức tăng lương chậm đồng nghĩa với việc nhiều người đang phải vật lộn với cuộc sống, cho dù quy mô nói chung của nền kinh tế đang cải thiện. Tiếp theo là công cuộc phục hồi kinh tế, sau cuộc suy thoái nghiêm trọng, đã ở mức cực kỳ chậm chạp. Nhiều người cho rằng họ vẫn chưa có được tiêu chuẩn sống như trước đây.

Thêm vào đó, một số khu vực trong nước vẫn chưa khôi phục tốt. Chuyên gia Joel Naroff của Công ty tư vấn Naroff Economic Advisers nói: “Tôi cho rằng nền kinh tế đang trong tình trạng tốt, nhưng tôi có thể hiểu được tại sao nhiều người lại đánh dấu vào ô “Không”, bởi tiền lương của họ vẫn chưa tăng lên”.

Theo Công ty Sentier Research, thu nhập hàng năm của một hộ gia đình đã sụt giảm trong giai đoạn suy thoái và tính đến tháng 11/2015 họ vẫn chưa khôi phục được mức thu nhập trước đây. Tim Hopper, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Công ty dịch vụ tài chính TIAA-CREF nói: “Tính đến nay đã 6-7 năm trôi qua, chúng ta vẫn đang ở giai đoạn mà lẽ ra chúng ta phải đạt được sau hai năm. Chúng ta vẫn chưa được chứng kiến tốc độ tăng trưởng vốn có trong thu nhập và việc làm”.

Joe Brusuelas, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Công ty RSM nhấn mạnh rằng, công cuộc khôi phục kinh tế đang diễn ra không đồng đều trên cả nước. Việc giá dầu sụt giảm đã gây ra sự đình đốn trên diện rộng ở các bang sản xuất dầu mỏ. Tuy nhiên, các khu trung tâm công nghệ cao như San Francisco, Denver và Salt Lake City vẫn đang bùng nổ.

Theo báo cáo của Nhóm Cải cách Kinh tế, nhóm tư vấn lưỡng đảng được các doanh nhân ở thung lũng Silicon ủng hộ, hơn 50 triệu người Mỹ sống ở các khu vực đang tiếp tục bị mất việc làm và các doanh nghiệp trong nửa đầu của công cuộc phục hồi kinh tế. Tăng trưởng tuyển dụng, thu nhập và doanh nghiệp chủ yếu tập trung ở các khu vực giàu có hơn, trong khi ở khu vực có thu nhập trung bình, tăng trưởng việc làm chỉ bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng trung bình cả nước.

Hiện còn quá sớm để dự đoán ai sẽ trở thành người chèo lái nước Mỹ trong 5 năm tới khi cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống Mỹ chỉ vừa mới bắt đầu. Tuy nhiên, với việc cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và tỷ phú Donald Trump giành chiến thắng vang dội trong ngày “Siêu thứ Ba”, cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới chắc chắn sẽ là cuộc đua “song mã” giữa hai ứng cử viên này.

Đọc thêm