Tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết với quyết định này, nhà tù Guantanamo sẽ còn lại 107 đối tượng bị giam giữ. Năm tù nhân được chuyển đi là Mohammed al-Razihi, Uthman al-Qadasi, Ubayd al-Busays , Bin Uqayl al-Nahdi và Salem Said al-Asani.
Bộ Quốc phòng Mỹ đồng thời bày tỏ “cảm ơn Chính phủ UAE vì sẵn sàng hỗ trợ Washington trong nỗ lực đóng cửa trại giam vịnh Guantanamo”. Tuyên bố cũng khẳng định Mỹ đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ UAE để đảm bảo an ninh cũng như các tiêu chuẩn nhân đạo trong quá trình chuyển giao.
Lỗi thời
Theo các nhà chức trách Mỹ, những đối tượng vừa được chuyển đến UAE đều là người Yemen và đã bị giam giữ 14 năm mà chưa bị kết tội. UAE trước đó cũng đã tiếp nhận một tù nhân là công dân của nước này hồi năm 2008.
Guantanamo, phần lãnh thổ Mỹ chiếm đóng trái phép của Cuba, nằm cách bờ biển bang Miami của Mỹ khoảng 1.300km về phía Đông Nam. Căn cứ này có diện tích 117,6 km2; chỉ có 49 km2 của khu căn cứ là đất khô ráo, khoảng 38,8km2 trên biển và khoảng 29,8km2 đầm lầy.
Guantanamo là một hải cảng nước sâu tự nhiên, có thể tiếp nhận tàu cỡ lớn.
Năm 1903, Chính phủ Cuba và Chính phủ Mỹ ký “Hiệp định của các bến than và hải quân”, theo đó Mỹ được quyền xây dựng căn cứ quân sự tại Guantanamo. Năm 1934, Cuba và Mỹ lại ký một điều ước cho phép căn cứ quân sự Guantanamo của Mỹ tồn tại vô thời hạn, theo hình thức thuê đất.
Nếu Cuba muốn thu hồi phần lãnh thổ này của mình thì phải đàm phán với Mỹ. Theo điều ước, hàng năm phía Mỹ trả cho phía Cuba 2.000 USD tiền thuê đất. Số tiền trên được trả bằng séc.
Vào đầu những năm 1960, nước Cộng hoà Cuba dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Fidel Castro, vì lòng danh dự và chủ trương không chấp nhận những gì xảy ra tại một phần trên lãnh thổ của Tổ quốc mình, đã quyết định không tiếp tục nhận số tiền mang tính tượng trưng nêu trên.
Chủ tịch Fidel Castro từng ví căn cứ này “là con dao găm của Mỹ cắm trên thân thể Cuba” và trước sau đòi quân đội Mỹ phải rút khỏi Guantanamo.
Cuba không thừa nhận Hiệp định năm 1903 và Điều ước năm 1934, không tiếp nhận tiền thuê đất của Mỹ, không đàm phán với Mỹ, nhưng cũng đảm bảo không dùng vũ lực để thu hồi lại Guantanamo. Còn về phía Mỹ lại cho rằng, Điều ước năm 1934 là đôi bên cùng tự nguyện thoả thuận ký kết, Mỹ không hề gây sức ép bắt buộc Chính phủ Cuba khi đó phải hạ bút ký. Cuba muốn thu hồi Guantanamo thì nhất thiết phải đàm phán với Mỹ, chứ không đơn phương đòi Mỹ tự rút quân.
Trong lịch sử, căn cứ Guantanamo, đặc biệt là trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đã được Mỹ sử dụng vào mục đích chống Cuba cũng như chống các nước xã hội chủ nghĩa khác. Từ tháng 1/2002, dưới thời Tổng thống George W.Bush, Mỹ dùng Guantanamo làm nơi chuyên giam giữ các đối tượng tình nghi khủng bố.
Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế (AL), các điều kiện dành cho tù nhân tại nhà tù của quân đội Mỹ ở vịnh Guantanamo rất khắc nghiệt khiến các tù nhân suy sụp về thể chất và tinh thần. Cũng chính vì những điều đó mà nhà tù Guantanamo đã bị dư luận quốc tế lên án về cách đối xử tàn bạo đối với những người bị giam giữ, trong đó có cả các biện pháp tra khảo dã man.
Nhằm xoa dịu những phản ứng gay gắt của dư luận quốc tế đối với các vụ lính Mỹ ngược đãi tù nhân ở nhà tù Guantanamo, ngày 19/4/2006, lần đầu tiên Mỹ đã công bố danh sách tên và quốc tịch của những tù nhân bị coi là “phần tử khủng bố” đang bị giam giữ tại đây. Phần lớn họ bị bắt tại Afganistan với cáo buộc có liên quan tới Al-Qaeda hay Taliban.
Tuy nhiên, thực tế trong số tù nhân mà Mỹ liệt vào “thành phần khủng bố”, có hơn 60 trẻ em chưa thành niên. Theo một báo cáo công bố trên tờ Độc lập Chủ nhật ra ngày 27/5/2006, những “tù nhân nhí” này đều bị bắt khi chưa đủ 18 tuổi, trong đó có 10 em mới 14-15 tuổi. Nhóm trẻ em này bị giam giữ chung với các tù nhân khác, thường xuyên bị thẩm vấn, thậm chí còn bị tra tấn.
Sau đó, vụ tự tử tập thể ngày 10/6/2006 của ba tù nhân bị giam giữ tại Guantanamo đã ngay lập tức kéo nhà tù này vào “tầm ngắm” của dư luận thế giới vốn lâu nay vẫn chỉ trích Mỹ về sự tồn tại của nhà tù này; đồng thời làm xói mòn sự ủng hộ của các đồng minh dành cho Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố mà nước này phát động sau “Sự kiện ngày 11/9/2001” tại New York (Mỹ).
Trong bối cảnh đó, sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ tháng 1/2009, ông Barack Obama đã từng tuyên bố sẽ đóng cửa nhà tù Guantanamo và việc chấm dứt hoạt động tại nhà tù này được coi là một trong những ưu tiên trong chương trình nghị sự. Tổng thống Mỹ Obama từng thừa nhận nhà tù quân sự này là lỗi thời và cần phải chấm dứt hoạt động tại khu vực gây tranh cãi này.
Tuy nhiên, quyết định này đã gặp phải sự phản đối của các nhà lập pháp đảng Cộng hòa tại Quốc hội do lo ngại việc chuyển một số tù nhân vào đất Mỹ. Mặc dù vậy, ngày 21/5/2009, Tổng thống Obama tuyên bố vẫn tôn trọng cam kết của mình sẽ đóng cửa nhà tù Guantanamo vào tháng 1/2010. Tuy nhiên đến tháng 9/2010, ông Obama đã phải thừa nhận chính quyền của ông không thể hoàn thành mục tiêu đóng cửa nhà tù Guantanamo đúng như thời hạn đã định.
Sau đó, chính quyền Obama đã từ bỏ nỗ lực đóng cửa nhà tù này khi tháng 3/2011, ông thông báo dỡ bỏ lệnh cấm từ 2 năm trước đó đối với các phiên xử ở tòa án nhằm vào các tù nhân Guantanamo. Những động thái trên khiến dư luận cho rằng Mỹ đã không thực hiện đúng những gì mình cam kết.
Thậm chí vào tháng 4/2011, việc trang mạng cung cấp thông tin Wikileaks công bố thêm những bí mật động trời về hoạt động của Mỹ tại Guantanamo, rằng thực tế sau hơn 2 năm kể từ tháng 1/2009 khi Tổng thống Barack Obama ra lệnh đóng cửa nhà tù Guantanamo thì vẫn có 172 tù nhân tiếp tục bị giam giữ tại đây, đã lập tức gây phẫn nộ trong dư luận thế giới.
Nhà tù Guantanamo từ đó tiếp tục là vấn đề gây tranh cãi gay gắt ngay tại Mỹ và bị dư luận thế giới lên án vì cho rằng hầu hết các tù nhân ở đây bị giam giữ nhiều năm mà không được đưa ra xét xử. Họ cho rằng, hệ thống giam giữ ở Guantanamo chủ yếu nhằm thu thập tin tức tình báo cho Mỹ chứ không phải là kiểm soát các phần tử khủng bố nguy hiểm hay tù binh.
Tuy nhiên, ngày 21/12/2014 Tổng thống Mỹ Barack Obama lại tiếp tục có một động thái được dư luận hoan nghênh khi ông tuyên bố sẽ thực hiện “mọi nỗ lực có thể” để đóng cửa nhà tù quân sự Mỹ ở vịnh Guantanamo và đề ra lộ trình thực thi cam kết này trước khi rời nhiệm sở vào năm 2017.
Có thể thấy, kể từ khi lên nắm quyền đến nay, tuy thừa nhận việc duy trì nhà tù Guantanamo đã làm hủy hoại hình ảnh nước Mỹ trong con mắt thế giới, song Tổng thống Barack Obama vẫn chưa thể hoàn thành cam kết sớm đóng cửa nhà tù này bởi cam kết đóng cửa nhà tù Guantanamo của ông đã nhiều lần gây chia rẽ tại Quốc hội và bị Quốc hội Mỹ cản trở thông qua.
Ông Obama cho rằng, việc duy trì nhà tù Guantanamo là một trong những nguyên nhân kích động các phần tử thánh chiến và cực đoan trên thế giới. Điều này đi ngược lại các giá trị của nước Mỹ và vô cùng tốn kém khi Washington đang phải chi hàng triệu USD cho mỗi cá nhân bị giam giữ ở nhà tù trên.
Trong một động thái mới, Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát vừa thông qua Dự luật Chính sách Quốc phòng với những điều khoản tiếp tục cản trở kế hoạch đóng cửa nhà tù quân sự Guantanamo của Tổng thống Obama. Dự luật Chính sách Quốc phòng cung cấp 607 tỷ USD cho các hoạt động quốc phòng của chính quyền Mỹ.
Tuy nhiên, Dự luật bao gồm điều khoản cấm di chuyển các tù nhân của nhà tù quân sự tại vịnh Guantanamo (Cuba) về các nhà tù tại Mỹ cũng như tới một nước thứ ba. Dự luật Chính sách Quốc phòng lần này chỉ là một trong rất nhiều hành động của phe Cộng hoà trong Quốc hội Mỹ nhằm cản trở kế hoạch thực hiện lời hứa đóng cửa nhà tù Guantanamo của Tổng thống Obama.
Tuy nhiên, tuần trước Nhà Trắng đã hé lộ nếu không nhận được sự hợp tác từ Quốc hội, Tổng thống Obama vẫn để ngỏ khả năng sử dụng quyền hành pháp của mình để đóng cửa nhà tù này. Trong cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Nhà trắng Josh Earnest cho hay, chính quyền của Tổng thống Obama sẽ nỗ lực hợp tác với Quốc hội về vấn đề này, nhưng nếu Quốc hội tiếp tục bất hợp tác, Tổng thống Obama sẽ sử dụng mọi khả năng trong quyền hạn của ông để chấm dứt hoạt động của nhà tù gây tranh cãi này.
Người phát ngôn Earnest nói thêm, Nhà Trắng hy vọng đóng cửa nhà tù Guantanamo “theo cách thức hợp lý”, và việc đóng cửa nhà tù này vẫn luôn là ưu tiên trong chính sách của ông Obama kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2009. Các nhà phân tích cho rằng, quyết định của Chính phủ Mỹ cho thấy rõ nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Cuba sau khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ.